Huyện Ðiện Biên có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã tích cực chuyển đổi cây trồng đối với những diện tích đất bạc màu, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả.
TP. Ðiện Biên Phủ cũng là một trong những địa phương tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua rà soát, toàn thành phố có 37ha đất kém hiệu quả cần chuyển đổi gồm 35ha trồng lúa nương với năng suất chỉ đạt khoảng 10 tạ/ha; 2ha lúa ruộng 1 vụ với năng suất 25 tạ/ha. Thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chuyển đổi 35ha sang trồng cây ăn quả, gồm: nhãn, chuối, bưởi, dứa, thanh long và chuyển 2ha sang trồng cây làm thức ăn cho gia súc.
Theo thống kê, trong 2 năm (2017, 2018), toàn tỉnh đã chuyển đổi từ đất nương, đất ruộng 1 vụ, cây màu hàng năm sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp là 1.136,73ha.
Ðẩy mạnh sản xuất rau trái vụ, xây dựng các vùng rau chuyên canh, rau an toàn theo hướng liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ðến năm 2020, toàn tỉnh có 5ha sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và 300ha sản xuất rau an toàn tại huyện Ðiện Biên, huyện Tuần Giáo và TP. Ðiện Biên Phủ...
Bên cạnh đó, cơ cấu chuyển đổi cây trồng theo vùng trọng điểm gắn với sản phẩm lợi thế và liên kết vùng như: Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung phát triển chăn nuôi bò, lúa, ngô, mắc ca, cà phê, cây ăn quả, rừng sản xuất, sơn tra, dược liệu.
Huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, trồng mắc ca, rau an toàn, lợn, gia cầm, bò sữa. Vùng Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà phát triển chăn nuôi trâu, trồng rừng phòng hộ, trồng mắc ca, phát triển dược liệu, nuôi ong…
An Bình làm giàu từ trồng tre măng Bát độ
Gần đây, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, An Bình (Văn Yên, Yên Bái) tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư trồng tre măng Bát độ.
Nông dân xã An Bình sơ chế măng tre Bát độ. Ảnh: Báo Yên Bái
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực tế chứng minh, tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều nơi. Đối với An Bình, điều kiện đất đai, khí hậu rất phù hợp để trồng cây này, nên xã đã có định hướng cụ thể theo kế hoạch của huyện.
"Xã tạo kiện cho nông dân được tham quan, học hỏi mô hình trồng tre măng Bát độ ở một số nơi trong tỉnh; tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện phối hợp tổ chức nhằm nâng cao kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch tre măng Bát độ” - ông Dương nói.
Hiện, An Bình có 120 ha tre măng Bát độ, trong đó, hơn 60 ha đã cho thu hoạch và chủ yếu được trồng ở các thôn: Khe Trang, Trung Tâm, Khe Rồng… Đây là những thôn tương đối khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, người dân sống dựa vào kinh tế đồi rừng nên việc đầu tư phát triển tre măng Bát Độ giúp bà con cải thiện đời sống rõ nét.
Gia đình anh Huỳnh Cao Đại ở thôn Trung Tâm có 8 ha tre măng Bát độ, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán măng cho hay: "Tre măng Bát độ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không kén đất, chỉ trồng một lần được khai thác nhiều năm. Năng suất trung bình mỗi ha 20 - 25 tấn; nếu chịu khó chăm sóc, bón phân thì năng suất có thể đạt từ 50 - 70 tấn/ha. Ngoài thu lợi từ măng, lá và thân cây cũng được tận thu để bán cho nhà máy giấy…”.
Mùa thu hoạch măng Bát độ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, với giá măng vỏ trung bình 1.500 đồng/kg, măng ống đã luộc giá bình quân 5.000 - 7.000 đồng/kg, măng củ 10.000 đồng/kg. Ước tính trung bình mỗi năm, nông dân An Bình có thể thu về từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng khi diện tích tre măng hiện tại cho thu hoạch 100% với điều kiện chăm sóc tốt như hiện nay.
Bản Ngoại duy trì phát triển giống quýt bản địa
Mô hình cải tạo vườn quýt của gia đình chị Lò Thị Lả, bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố). Ảnh: Báo Sơn La
Anh Tòng Minh Văn, Trưởng bản Ngoại, xã Chiềng Cọ (Thành phố) chia sẻ: Cây quýt bản mình đã gắn bó với bao thế hệ người dân trong bản, gốc quýt lâu năm nhất hiện giờ cũng trên 60 năm tuổi. Từ lâu, nhà nào trong bản cũng có vài cây quýt, quả rất thơm, mọng nước và có vị ngọt mát. Mùa quýt chín các bà, các mẹ chọn những quả chín vàng nhất xâu vào lạt tre thành từng dây từ 5-10 quả gánh ra chợ bán...
Để nâng cao năng suất, chất lượng giống quýt bản địa, xã đã vận động bà con trong bản, khuyến khích đẩy mạnh thâm canh và phát triển vùng sản xuất quýt có chất lượng cao. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng mô hình “Cải tạo vườn quýt” quy mô 2 ha với 11 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cây...
Sau một thời gian thực hiện mô hình, với việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, tác động bằng các biện pháp, trong đó có việc bón phân đúng kỹ thuật nên quả quýt nặng trung bình đạt 105g, cao hơn so với vườn cây tự nhiên chỉ đạt 90g, quả chắc hơn, sáng hơn, tép to hơn; số quả trung bình đạt 190 quả/cây, trong khi vườn cây tự nhiên của các hộ không chăm sóc chỉ đạt 130 quả/cây. Nhận thấy việc thực hiện mô hình mang lại hiệu quả cao, người dân trong bản đã tin tưởng thực hiện mô hình. Đến nay, toàn bản có 39 hộ thực hiện mô hình cải tạo vườn quýt với tổng diện tích trên 7 ha.