Tại cuộc họp về cấp hàng dự trữ quốc gia, ông Lê Văn Thời, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã lý giải vì sao thịt lợn chưa được đưa vào danh mục hàng dự trữ quốc gia. Vấn đề này được đặt trong bối cảnh Việt Nam thiếu thịt lợn trong thời gian qua, cùng với đó là tình trạng giá thịt lợn tăng cao.
Theo ông Thời, những băn khoăn của người dân về việc mặt hàng thiết yếu như thịt lợn chưa có trong danh mục dự trữ là hợp lý với những diễn biến trên thị trường thời gian qua. Ông Lê Văn Thời cho biết, danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định cụ thể trong Luật Dự trữ quốc gia năm 2012.
Theo Luật, danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Nhiên liệu...
"Trong nhóm hàng lương thực chưa có thịt lợn, hiện nay với chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo"- ông Lê Văn Thời cho hay. Theo vị Phó tổng cục trưởng, nhiều ý kiến cho rằng nước ta đang xuất khẩu lương thực lớn thì dự trữ những mặt hàng nào cho phù hợp, tại sao chưa đưa thịt lợn vào danh mục dự trữ?
"Hiện nay Tổng cục đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia để bổ sung. Những mặt hàng nào chưa thiết yếu, chưa cần thiết trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn thì chưa đưa vào. Hàng năm, chúng tôi có rà soát, đánh giá các mặt hàng trong danh mục để thay thế, bổ sung"- ông Thời cho hay.
Trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, thì mặt hàng thịt heo chưa được đưa vào danh mục hàng dự trữ. Mặc dù vậy, Tổng cục Dự dữ Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án này.
Chia sẻ về kinh nghiệm dự trữ ở các quốc gia trên thế giới, ông Lê Văn Thời cho biết, tại Nga, quốc gia này dự trữ thịt bò, thịt lợn với số lượng lớn, khi cần xuất ra thị trường thì các sản phẩm này đã được chia nhỏ theo lạng, kg, rất thuận lợi.
"Hiện nay, nhiều mặt hàng cần được bổ sung vào danh mục dự trữ. Như ở Nhật Bản, họ dự trữ cả nhà vệ sinh di động. Tuy nhiên, chúng ta cần cân đối, xem xét để phù hợp với tình hình ngân sách"- ông Lê Văn Thời cho hay.
Tốn hơn 5.000 tỷ chống dịch, 6 triệu con lợn bị tiêu hủy
Năm 2019, hơn 5.000 tỷ đồng tiền ngân sách được chi ra để hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, dịch bệnh này về cơ bản được kiểm soát, song chúng ta cũng phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn.
Theo báo cáo tóm tắt tổng kết thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ NN-PTNT, năm 2019, ngành chăn nuôi nước ta phải đối diện với đại dịch lịch sử, khiến cả thế giới khiếp sợ.
Song, với sự chủ động, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt
Ngay từ đầu, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể các giải pháp phòng ngừa, chống xâm nhiễm; tổ chức tiêu độc, khử trùng và dập dịch. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, chỉ đạo tại 5 hội nghị về phòng, chống bệnh DTLCP và trực tiếp đến cơ sở để kiểm tra và chỉ đạo tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chưa có con số thống kê thiệt hại về dịch tả lợn châu Phi, nhưng tiền ngân sách chi ra để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh lên tới hơn 5.000 tỷ đồng
Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các tổ chức quốc tế (OIE, FAO) và các nước hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch bệnh và tổ chức nghiên cứu vắc xin DTLCP... Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh DTLCP. Theo đó, đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn thay thế, bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm, góp phần ổn định giá cả thị trường và chỉ số CPI...
Nhờ vậy, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh, như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145 nghìn tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...
Trước đó, trong báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên thiệt hại do DTLCP đã giảm xuống mức thấp nhất.
Đến nay, dịch xảy ra tại 8.526 xã thuộc của 63 tỉnh, thành với tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Tỉnh Kursk của Nga xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam từ năm 2020
Truyền thông Nga ngày 26/12 đưa tin dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam đã khiến đàn lợn suy giảm mạnh, từ đó dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn cung mặt hàng thực phẩm này tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề khan hiếm nói trên sẽ được khắc phục một phần nhờ nguồn thịt từ tỉnh Kursk, miền Trung nước Nga.
Chính quyền tỉnh Kursk đã xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết một doanh nghiệp tại địa phương này đã được cấp giấy phép xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam.
Việc cung cấp thịt lợn sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2020 và các bên liên quan đã thống nhất được các điều kiện xuất khẩu.
Chính quyền tỉnh Kursk cho biết chất lượng thịt lợn của công ty được cấp phép đáp ứng mọi yêu cầu của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
Ngày 19/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chính thức công bố thông tin lần đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.
Tính đến trung tuần tháng 12, tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 6 triệu con với trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước.
Dịch đã làm nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thịt lợn tăng cao trong những tháng cuối năm./.