Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 25/2019/TT-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2018.
Thông tư mới có nhiều điểm thay đổi rất đáng chú ý. Đầu tiên phải kể đến việc thay đổi chính sách cơ cấu lại nợ khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể, trước đây, Thông tư 10/2015/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.
"Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với nhiều rủi ro. Vì vậy, chưa thực sự tạo điều kiện cho khách hàng khắc phục khó khăn ổn định sản xuất", Ngân hàng Nhà nước đánh giá.
Thông tư 25 đã sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng không hạn chế số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Thời gian cơ cấu lại được hưởng chính sách này phù hợp với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng nhưng tổng thời gian cơ cấu lại không vượt quá thời gian cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Phía Ngân hàng Nhà nước khẳng định thêm, quy định này là nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thời gian khôi phục sản xuất.
Thông tư cũng quy định tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm tra, giám sát trong hệ thống về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để đảm bảo phản ánh đúng tình trạng của các khoản nợ.
Thông tư 25 còn bổ sung quy định hướng dẫn thời gian ân hạn đối với khách hàng vay để trồng, chăm sóc tái canh cây lâu năm.
Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm. Thời gian ân hạn là khoảng thời gian tính từ khi tổ chức tín dụng bắt đầu giải ngân vốn vay đến khi khách hàng bắt đầu trả nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng.
"Quy định này phù hợp với thực tế của các cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu, điều…", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Điểm đáng lưu ý trong nghị định này là việc các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm, đối với một số trường hợp, được tăng hạn mức cho vay lên gấp đôi so với quy định tại Nghị định 55.
Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại không có tài sản bảo đảm sẽ được tổ chức tín dụng cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thay vì chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng.
Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn còn được vay tối đa 200 triệu đồng gấp đôi quy định 100 triệu đồng trước đây.
Bên cạnh đó, thông tư mới có đưa ra hướng dẫn hình thức cho vay mới đó là cho vay theo chuỗi giá trị.
Cụ thể, căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, tổ chức tín dụng ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối và/hoặc bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại tổ chức tín dụng cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định trên tạo vòng quay khép kín, vừa tạo điều kiện cho nông dân vay vốn thuận lợi kể cả không có tài sản đảm bảo cũng vay được vốn, vừa giúp ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn, hạn chế rủi ro tín dụng.
Tác giả bài viết: Minh Tâm
Nguồn tin: vietnamfinance.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn