19:56   Thứ Sáu, 17/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Thông tin khác


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Tour khởi nghiệp của Chính phủ

Thứ bảy - 28/01/2017 09:53
Trong bài viết này, tác giả quan sát các hành động gần đây nhất của Chính phủ nhiệm kỳ mới để nhìn nhận về triển vọng nước nhà giai đoạn 2016-2020.

Tour khởi nghiệp của Chính phủ

Trước hết, thế giới bây giờ tương thuộc nhau đến mức dù muốn hay không thì những thay đổi quá bất ngờ trong bối cảnh quốc tế năm 2016 đều có những tác động không nhỏ đến cảm nhận của người dân trong nước. Từ các quán cà phê bình dân cho đến hang cùng ngõ hẻm, người dân bây giờ có thông tin nhiều lắm. Đừng tưởng họ không so sánh, cảm nhận về các thay đổi trong bối cảnh quốc tế để từ đó suy nghĩ!

Những sự kiện gây chấn động toàn cầu như Brexit (nước Anh rút khỏi EU) hay việc ông Donald Trump bất ngờ trúng cử Tổng thống Mỹ thật sự đã làm cho những người dân bình thường bắt đầu có những cảm nhận sâu sắc về một thế giới thay đổi ngày càng khó lường và trách nhiệm lịch sử của người đứng đầu quốc gia. Ắt hẳn phần nhiều trong số họ sẽ nhìn vào cái cách mà phong thái và hành động của các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện, để so sánh, để cảm nhận và cũng là để hy vọng.

Cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM vào tháng 4/2016 được coi là “tour khởi nghiệp” đầu tiên của các thành viên Chính phủ.
Cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM vào tháng 4/2016 được coi là “tour khởi nghiệp” đầu tiên của các thành viên Chính phủ.

Hãy còn quá sớm để đánh giá về khả năng thành công trong tầm nhìn và chiến lược phát triển của các vị lãnh đạo mới của thế giới giai đoạn 2016-2020. Nhưng cái cách mà họ truyền cảm hứng đến người dân nước họ thì rất nhiều cảm xúc. Đó là nói và làm ngay tại chỗ, ngay tức thì mà không cần đến những thông điệp gì lớn lao, sáo rỗng.

Chẳng hạn, ông Trump đưa ra thông điệp cho nội các mới của mình, rất đơn giản chỉ với 3 từ: Job, job, job (việc làm, việc làm và việc làm). Một thông điệp vô cùng ngắn gọn và dễ nhớ. Nó phải dễ nhớ để nhắc nhở ta mỗi ngày luôn sống và hành động đúng với điều mình nói. Quả thật, cùng lúc đó, ông tiến hành các “tour chính sách” rất cụ thể, chẳng hạn xuống đến tận Indiana để thuyết phục Công ty Carrier đừng chuyển nhà máy sang Mexico, chỉ để giữ lại 1.400 việc làm ở lại cho nước Mỹ. Thành bại mọi việc vẫn còn ở phía trước, nhưng trước mắt, đây là cách tiếp cận khả dĩ để phát tín hiệu cho người dân tin vào một sự thay đổi rất lớn sẽ đến. Điều này còn cần thiết để tạo cảm hứng cho người dân, cùng với Chính phủ mới đoàn kết với nhau tiến về phía trước.

Thật là một sự trùng hợp thú vị khi trước đó, vào tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ cũng đã tổ chức “tour khởi nghiệp” đầu tiên bằng cuộc gặp với các doanh nghiệp ở TP.HCM; các tour khởi nghiệp như vậy sau đó càng cụ thể hơn khi đã xuống đến từng doanh nghiệp và lan sang cả nước ngoài.

Nhìn vào ý tứ từng từ ngữ trong cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tháng 12/2016 để thấy không còn lý luận xa xôi: “Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ”.

Nếu có gì phản ảnh ngắn gọn nhất những gì mà Chính phủ cần làm để đáp ứng những khát khao và mong mỏi của người dân, cũng chỉ nên tóm lược ngắn gọn trong 3 từ: “hành động, hành động và hành động”.

Cũng đã có những kết quả ban đầu: một vài doanh nghiệp nhà nước lớn lâu nay viện cớ không cổ phần hóa đã bị buộc ngay lập tức lên sàn kèm theo một số quan chức bị thôi chức; hay 2016 là năm đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, cứ bình quân 1 giờ có 12 doanh nghiệp mới ra đời. Mọi thứ vẫn còn rất khiêm tốn, dù vì đó vẫn là điểm bắt đầu tốt để chờ đợi một khả năng có những thay đổi lớn hơn sau đó.

Có một điểm nhấn đáng lưu ý khi tần suất nhiều hơn các thông điệp chính sách của Chính phủ ở trạng thái hoặc “có” hoặc “không”. Trước hết là cách nói dứt khoát “có” về một Chính phủ liêm chính, về việc bằng mọi giá tạo ra môi trường khởi nghiệp và đầu tư thuận lợi. Và nói “không” với các dự án nghìn tỷ đắp chiếu, với các nhà máy và dự án gây ô nhiễm bằng tuyên bố sẽ đóng cửa nếu tái phạm, với tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Trước những sức ép không nhỏ từ nhiều phía, cách thể hiện các thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng như vậy chắc cũng khó khăn lắm; chắc cũng phải cân nhắc tới lui, ngước lên nhìn xuống đủ điều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, khó nhất vẫn là mọi thứ cần phải đi đến tận cùng. Người dân sẽ ngày càng mất niềm tin với những chính sách lúc đầu nghe rất hay, rất phấn khích, nhưng càng về cuối thì mất hút.

Kỳ vọng về cải cách thể chế - thách thức quá lớn

Có lẽ không cần phải có những nghiên cứu gì công phu, ai cũng biết nguồn lực để đất nước tiến về phía trước phần lớn nằm ở cải cách thể chế, sao cho ở trên trải thảm, ở dưới đừng rải đinh. Cải cách thể chế thành công, tăng trưởng ấn tượng sẽ đến mà không cần phải sử dụng nhiều đến các nguồn lực vật chất. Không hiểu người dân ở các quốc gia khác như thế nào, còn đối với người dân Việt, cảm giác bị ức chế khi làm ăn, kinh doanh trong môi trường các thủ tục hành chính nhiêu khê như hiện nay đã vượt quá ngưỡng. Mà cái gì khi đã đạt đến ngưỡng, nếu cả hệ thống chính trị không có một cuộc cải cách mạnh mẽ, mọi thứ sẽ ngày càng rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát.

Tình hình hiện nay dường như thế này: quyết tâm đổi mới đưa đất nước tiến về phía trước một cách mạnh mẽ, kiên quyết và rõ ràng nhất là đến từ các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước cao nhất, rồi cứ thế mà giảm dần xuống các bộ, ngành và địa phương. Bây giờ có khi làm một tour khởi nghiệp “ngược” chăng? Các bộ ngành, địa phương đi ngược trở lại lên các cấp cao nhất để xin tự nguyện đề xuất từ bỏ những “cài cắm đặc quyền, đặc lợi” tinh vi mà họ hiểu hơn ai hết?

Điều tưởng như dễ như thế, nhưng sao nghe cứ như chuyện viển vông. Biết là không thể, nhưng phần nào cũng phản ánh nỗi khao khát của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp về một điều mà đáng lý đã xảy ra từ rất lâu. Đây sẽ là một trong những thách thức quá lớn mà người dân kỳ vọng Chính phủ phải xử lý triệt để các “nút thắt cổ chai” cản trở phát triển liên quan đến lợi ích nhóm, tình trạng cục bộ địa phương và ma trận thủ tục hành chính nhiêu khê hiện nay.

Một Chính phủ hành động, nhưng với người tài chứ nào phải người nhà

Nếu có gì phản ảnh ngắn gọn nhất những gì mà Chính phủ cần phải làm để đáp ứng những khát khao và mong mỏi của người dân, cũng chỉ nên tóm lược ngắn gọn trong 3 từ: hành động, hành động và hành động. Nó phải dễ hiểu như thế để bất kỳ ai nói ra thì phải nhớ nằm lòng mình phải làm ngay lập tức. Không phải là lĩnh vực ngoại giao, nên người dân vẫn thích các vị lãnh đạo nói thật lòng và làm thiệt. Cho dù những lời nói thật lòng đó, nói thẳng ngay bức xúc của người dân lúc đó, để rồi hành động ngay, tuy nghe không được hoa mỹ lắm, nhưng thà như vậy còn hơn nói cho thật hay rồi quên luôn.

Nhưng hành động nào cũng phải dựa trên những nguyên tắc nhất quán đã cam kết, chứ không làm theo cảm tính, làm chỉ để lấy lòng số đông. Lấy ví dụ, việc ông Trump xuống đến tận Công ty Carrier với chính sách cây gậy và củ cà rốt để thuyết phục công ty này không di dời nhà máy ra khỏi nước Mỹ. Tuy việc này nhận được nhiều đánh giá cao, nhưng cũng không ít nhà kinh tế phê phán chính sách đó chỉ có kết quả ngắn hạn, vì vẫn còn đó can thiệp của Nhà nước, đi ngược với những nguyên tắc thị trường.

Chỉ mới một ví dụ nhỏ trong khía cạnh làm ăn kinh doanh đã cho thấy, bản thân nhà lãnh đạo hoặc tham mưu cho lãnh đạo phải là những người có tài năng thực sự, để giúp cho lãnh đạo, vốn trăm công nghìn việc và không có chuyên môn sâu, tránh đi vào những quyết định sai lầm. Nhưng như thế nào là người tài? Họ là người giỏi nhất trong số những người giỏi trong lĩnh vực của mình. Nhưng ở Việt Nam, họ còn phải có khí phách của người dũng cảm, không màng danh vọng, dám nói và bảo vệ đến cùng quan điểm của mình. Chứ đâu phải là những người có nhiều bằng cấp và biết nhiều ngoại ngữ? Tài giỏi thật đấy, nhưng lãnh đạo nói, còn mình chỉ có biết cắm cúi ghi chép thì… thôi rồi!

Nhìn vào cách thức mà những người xuất chúng nhất trước đây chưa từng làm việc trong bộ máy chính quyền, giờ được tuyển chọn vào nội các mới của một số chính phủ trên thế giới gần đây, mới thấy được sự phấn khích và chờ đợi của người dân về một sự thay đổi mang tính bước ngoặt sắp đến cho quốc gia của họ. Biết đâu những người ngoài hệ thống lại có những suy nghĩ khác thường với những góc nhìn lạ để tạo ra sự bứt phá, để thay đổi những thứ vốn dĩ lặp đi lặp lại mỗi ngày, thành quán tính đến mức khiến cho con người ta quên mất cái mới là gì.

Nhưng nhìn đâu xa, ở ngay tại Việt Nam, trong lịch sử và hiện tại, đã xuất hiện một số nhân vật có những suy nghĩ và hành động rất khác người, dám làm và dám chịu trách nhiệm, cho dù danh phận của họ không hẳn được êm thắm như những gì họ xứng đáng nhận được. Hào kiệt thời nào cũng có. Càng khó khăn bao nhiêu, hào kiệt xuất hiện càng nhiều. Ít nhất lịch sử nước ta đã cho thấy điều này. Nỗi khao khát của người dân hiện nay là làm thế nào để tuyển chọn được những người tài giỏi, dũng cảm và đức độ nhất vào hệ thống. Cứ mỗi lần chuyển giao từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo khác, sự kỳ vọng cứ thế càng lớn dần, lớn dần.

Phải nói thẳng với nhau, sở dĩ mỗi thế hệ chuyển giao, thì sự kỳ vọng càng mãnh liệt hơn là vì chúng vẫn chưa thực sự đáp ứng được khát khao cháy bỏng của người dân. Người dân bình thường quan sát thường xuyên các sinh hoạt của các quan, từ địa phương cho đến cấp cao hơn, đều biết hết không ít trong số họ là người như thế nào. Thế rồi, bỗng nhiên họ chợt trở thành lãnh đạo cao dần, cao dần và thông thái hẳn ra. Thật đau lòng! Ít nhất đó là những gì nhẹ nhàng nhất mà chúng ta nói với nhau.

“Tìm người tài chứ không tìm người nhà”, câu nói mộc mạc đó của Thủ tướng - và hy vọng cũng là ý chí của toàn bộ thành viên Chính phủ và cả hệ thống - sẽ trở thành sự thật, ngay vào những thời khắc thiêng liêng của chuyển giao năm mới.

GS-TS. Trần Ngọc Thơ (*) (Đại học Kinh tế TP.HCM)
http://baodautu.vn/
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 129


Hôm nayHôm nay : 42092

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 924487

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73971458



loading
Mudim v0.8 Tắt VNI Telex Viqr Tổng hợp Tự động Chính tảBỏ dấu kiểu mới [ Bật/Tắt (F9) Ẩn/Hiện (F8) ]