Triển khai nhiều giải pháp cấp nước sạch cho nông thôn
Thứ ba - 22/08/2017 04:17
Tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch đạt thấp (38,6%), đó là vấn đề cử tri liên tục kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc với ĐB HĐND TP gần đây.
Trong khi đó, tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch toàn TP là 21%, giải pháp để hoàn thành kế hoạch đến năm 2020 tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch phấn đấu đạt 100% là một vấn đề được đặt ra.
Công nhân vận hành Trạm cấp nước sạch liên xã Trung Hòa - Trường Yên, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng
Theo thống kê của TP, nguyên nhân chính trong triển khai chậm việc cấp nước sạch cho khu vực nông thôn thời gian qua là bởi, trước năm 2015, việc cấp nước sạch cho khu vực nông thôn chủ yếu là dùng nguồn ngân sách, việc thực hiện có khó khăn do nguồn ngân sách TP còn eo hẹp. Cùng với đó, việc cấp nước nông thôn mới thực hiện chủ yếu theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Những năm qua, TP đã triển khai xây dựng các trạm cấp nước nông thôn cho các địa phương nhưng nhiều công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn sử dụng chưa hiệu quả. Hình thức cấp nước nông thôn mới chỉ dừng lại ở các mô hình: từng hộ riêng rẽ, các hộ được cấp nước từ các công trình (trạm) cấp nước nông thôn, chưa được nối mạng từ hệ thống cấp nước tập trung của TP. Trả lời các vấn đề cử tri và ĐB HĐND TP đặt ra về việc làm thế nào để hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu đạt 100% dân cư nông thôn được cấp nước, giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch toàn TP. Lãnh đạo TP cho biết, TP đã tập trung phát triển mạng lưới cấp nước. Trong đó, đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cấp nước cho khu vực nông thôn: Đến tháng 6/2017 đã lắp đặt bổ sung cấp nước cho khoảng 33.800 hộ, nâng tổng số người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là khoảng 1.747.000 người tương đương khoảng 40%. TP cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 16 dự án nước sạch nông thôn và dự kiến hoàn thành trong năm 2017, các dự án hoàn thành sẽ cung cấp nước sạch cho 102.321 hộ; 409.284 người, cho 59 xã (tăng thêm 9,4% nâng tỷ lệ cấp nước sạch khu vực nông thôn lên từ 40% lên 49,4%). Cùng với đó, TP đã phê duyệt các dự án phát triển cấp nước đến năm 2020, với việc chấp thuận chủ trương đầu tư, sẽ cấp nước cho 30 xã… Đồng thời, chỉ đạo các công ty triển khai các nhà máy nước theo quy hoạch như: Công ty CP Nước mặt sông Hồng triển khai đảm bảo tiến độ Dự án đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm đến năm 2020 (giai đoạn 1 đến năm 2018 đạt 150.000m3/ngày đêm). Công ty CP Nước mặt sông Đuống đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chuẩn bị đầu tư và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựnghệ thống nhà máy nước mặt sông Đuống công suất 300.000m3/ngày đên đến năm 2020 (giai đoạn 1 đến năm 2018 đạt 150.000m3/ngày đêm)... TP cũngchấp thuận chủ trương giao Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex nghiên cứu, lập Dự án đầu tư nhà máy cấp nước sạch tại huyện Ba Vì, công suất dự kiến 500.000m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt sông Đà…. Mặt khác, TP cũng đã giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội nghiên cứu triển khai dự án lắp đặt hệ thống lọc nước theo mô hình cụm hộ cho các xã không thể đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung của TP tại Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn… Cùng với đó, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia đầu tư nước sạch trên địa bàn việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại; kiểm soát về công nghệ, chất lượng nước... Đối với dự án đầu tư nước sạch tại các vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức…, TP sẽ hỗ trợ về công nghệ và cho phép khai thác nguồn nước ngầm. Và hỗ trợ thủ tục đầu tư, đảm bảo thông thoáng, nhanh gọn. Cùng với các giải pháp để đảm bảo mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp giảm tỷ lệ thất thu, thất thoát nước sạch như cải tạo và thay thế các đường ống cũ nát, giám sát chặt chẽ công tác thi công, thử áp lực, giám sát chặt chẽ khi đưa vào sử dụng…