Nếu như nhà vườn chủ yếu trồng chuối cau xen canh với các loại cây trồng khác, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất thì ông Phan Thanh Cao, ở ấp Phong Hòa, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chỉ trồng độc canh chuối cau trên mảnh vườn 8 công đất của gia đình.
Ông Phan Thanh Cao rất phấn khởi khi trồng 1.800 cây chuối cau bởi giá bán quả của giống chuối này luôn ở mức cao, người tiêu dùng ưa chuộng.
Dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Cao rất khỏe mạnh, sự đôn hậu, nhiệt tình của ông Cao giúp chúng tôi xóa hết bao mệt mỏi khi vượt một đoạn đường dài từ TP. Sóc Trăng đến xã Phong Nẫm sau cơn mưa chiều nặng hạt.
Mời khách tách trà nóng, ông Cao kể chuyện lập nghiệp của gia đình mấy mươi năm sống ở vùng đất cù lao Phong Nẫm, nơi được bao quanh bởi con sông Hậu và chứng minh rằng, tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn làm tốt công việc của một nhà nông chính hiệu.
Đưa chúng tôi tham quan thực tế mô hình trồng chuối cau được ông chuyển đổi từ cây chôm chôm trước đây, chúng tôi khá ngạc nhiên bởi từng buồng chuối cau không phơi mình dưới nắng mưa như nhiều vườn chuối khác mà chuối tại vườn ông Cao được trùm kín bằng chiếc bao nilông, mỗi buồng chuối là một chiếc bao.
Có lẽ hiểu thắc mắc của khách, ông Cao vội bước nhanh về phía trước, kéo chiếc bao nilông trùm chuối xuống cho chúng tôi xem. Thật tuyệt vời, từng trái chuối có độ lớn bằng nhau, đều màu nhìn thật bắt mắt.
Chuối cau có chất lượng thơm, ngon nên được thương lái "săn đón" thu mua tận vườn.
Ông Cao tâm tình: “Chuối cau được trùm kín nhằm đảm bảo độ lớn của trái đồng đều, giữ màu đẹp do không bị ảnh hưởng bởi mưa hay nắng cũng như hạn chế tối đa các loại côn trùng cắn phá. Việc đảm bảo trái lớn đều, màu đẹp sẽ bán được giá, thu lợi nhuận nhiều hơn”.
Đưa ánh mắt rạng ngời nhìn lên những buồng chuối, ông Cao chia sẻ: “Trên diện tích vườn chuối hiện giờ, trước đây tôi trồng chôm chôm. Tuy chôm chôm ăn trái đã hơn 20 năm nhưng sản lượng hàng năm không hề sụt giảm, vẫn bình ổn nên tôi cứ nghĩ sẽ ăn trái vườn chôm chôm hết đời mình, tới đời con cháu mai sau. Nhưng do đợt hạn mặn năm 2016 vừa rồi ảnh hưởng nhiều đến chôm chôm, một số cây bị rụng lá, số khác chết và số còn lại sau phục hồi không cho trái. Do vậy, tôi quyết định đốn bỏ toàn bộ vườn chôm chôm”.
Sau bao ngày tính toán “trồng cây gì để làm giàu”, ông Cao nhận thấy, cây chuối cau có lợi thế về kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác, kèm theo đó là thời gian cho trái ngắn, có thể thu hồi vốn nhanh, nên ông quyết định trồng. Ban đầu, nguồn cây giống tìm kiếm khó khăn, phải đi mua ở các nhà vườn khác. Mua bao nhiêu, ông Cao trồng bấy nhiêu, khi phủ hết 8 công đất vườn mất hơn 3 tháng xuống giống, với 1.800 cây chuối.
Hiện tại vườn chuối cau của gia đình ông đang bước vào giai đoạn thu hoạch, ước tính bình quân mỗi buồng chuối cau khoảng 6 nải, thương lái thu mua với giá 15.000 đồng/nải. Nếu bán hết cả vườn chuối cau, sau khi trừ các khoản chi phí ông Cao sẽ bỏ túi với số tiền hơn 200 triệu đồng.
Ông Phan Thanh Cao bán buôn chuối cau với giá 6.000 đồng/nải. Vụ chuối này ước tính ông lời 200 triệu đồng từ giống cau đặc sản.
Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm Nguyễn Minh Cảnh cho biết: “Ông Phan Thanh Cao là hộ nông dân duy nhất trên địa bàn xã chuyển đổi từ việc trồng cây chôm chôm do ảnh hưởng hạn mặn bị thất thu sang trồng chuyên canh cây chuối cau mang lại hiệu quả.
Theo tính toán bước đầu, cây chuối cau mang về lợi nhuận khá cao so với một số loại cây trồng khác và thời gian sinh trưởng ngắn, đảm bảo thu hồi vốn nhanh. Từ mô hình của ông Cao, xã vận động người dân cải tạo vườn cây kém hiệu quả sang trồng chuối cau, cũng như xen canh cây chuối cau trong các vườn cây ăn trái nhằm lấy ngắn nuôi dài”.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Cảnh, hiện nay, giá chuối cau luôn ở mức cao, ổn định, thị trường ưa chuộng và đây cũng là sản phẩm cây trồng được nhiều công ty thu mua phục vụ xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn