Tiết kiệm chi phí
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật mà chất lượng cũng như sản lượng cà phê được tăng cao. Ảnh:H.Y
Những năm qua, phong trào sản xuất cà phê bền vững phát triển nhanh và mạnh trên địa bàn Di Linh và Lâm Hà, nhiều nông hộ đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C, UTZ... Qua đó, nông dân đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất cà phê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình tưới nước tiết kiệm tại trang trại cà phê của gia đình anh Trần Sương (thôn Đồng Lạc 3, xã Đinh Lạc, Di Linh) là một ví dụ điển hình cho thấy việc ứng dụng kỹ thuật vào canh tác cà phê mang lại hiệu quả. Bởi trước đây, vào mùa khô gia đình tưới từ 3 - 6 đợt nước cho vườn cây cà phê, khi tưới dùng ống nhựa tưới vào từng gốc, với lượng nước bình quân 600 lít nước/gốc/lần tưới và tốn nhiều công, nhiên liệu. Khi anh chuyển qua áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun mưa di động với vốn đầu tư không lớn (cả trang trại 6 ha nhưng chỉ mất 30 triệu đồng đầu tư cả hệ thống tưới), việc bón phân cũng được thực hiện qua hệ thống tưới nên luôn đảm bảo kỹ thuật, không những tiết kiệm nguồn nước, công lao động mà môi trường sinh thái đảm bảo.
Anh Sương kể: “Lúc đầu nghe nói trồng cà phê theo hướng công nghệ cao tôi cứ nghĩ nó cao siêu khó thực hiện. Sau khi được hướng dẫn tôi đã bắt tay vào làm và trên thực tế cho thấy rất dễ làm. Với diện tích 6 ha tôi tăng việc dùng phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học nhưng sản lượng cà phê đạt cao 5 tấn/ha. Thực chất trồng cà phê công nghệ cao không quá tốn chi phí đầu vào, mặt khác canh tác theo hướng này cà phê sẽ chín đồng loạt, chất lượng cà phê nâng lên, như vậy đồng nghĩa với việc sản phẩm của nông dân đủ điều kiện đáp ứng các thị trường khó tính và đương nhiên đầu ra sẽ ổn định hơn”.
Tương tự, gia đình ông Võ Phi Hùng, khu phố Thành Công, thị trấn Nam Ban (Lâm Hà) chia sẻ, trước đây, diện tích cà phê của gia đình quá già cỗi nên ông quyết định phá toàn bộ 1,2 ha để tái canh, chọn trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C để sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để sản xuất bền vững. Theo đó, gia đình ông được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ 50% chi phí vật tư, kỹ thuật, tập huấn, kiểm tra, kiểm soát nguồn giống để tái canh. Lợi ích lớn nhất của việc trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C là nông dân được hướng dẫn tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, chắn gió, sử dụng phân bón hữu cơ, ghi chép nhật ký nông hộ để theo dõi quá trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách và hạch toán thu chi một cách chính xác trong một năm để xem trong một năm mình lời lỗ thế nào và biết được quá trình chăm sóc cà phê của mình hiệu quả đến đâu. Đến nay, diện tích vừa được tái canh của gia đình phát triển tốt, không phát hiện sâu bệnh gây hại, dự kiến năm nay cho ra bói đầu tiên, các đại lý mua với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg nhân, giảm chi phí vật tư đầu vào, năng suất tăng 10% so với cách sản xuất thông thường.
Cũng như các hộ nông dân nêu trên, quy trình sản xuất cà phê theo hướng công nghệ cao đang ngày càng phát triển ở các xã Tân Châu, Đinh Lạc và thị trấn Di Linh (huyện Di Linh); xã Nam Hà, Mê Linh, thị trấn Nam Ban… (Lâm Hà). Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật như chăm sóc hợp lý, thường xuyên loại bỏ chồi vượt, tỉa cành tạo tán hợp lý trong mùa mưa, loại bỏ cành tăm, cành nhớt… mà vườn cây của bà con nông dân hạn chế được sâu bệnh gây hại và tiết kiệm được chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, người trồng cà phê sử dụng phân bón, vật tư và nước tưới một cách hợp lý, giảm chi phí đầu tư, tránh được tình trạng thừa phân bón, nước tưới gây lãng phí.
Tạo ra sản phẩm chất lượng
Anh Phạm Khắc Tài, Chủ thương hiệu Ritachi Coffee chia sẻ: Việt Nam vốn nổi tiếng với loại cà phê Robusta chiếm hơn 80% sản lượng và là nước xuất khẩu cà phê lớn, nhưng sản phẩm cà phê Việt Nam lại không có trên bản đồ thế giới. Khi nhà rang xay chất lượng cao tìm cà phê Arabica thì người ta sẽ tìm kiếm thị trường Lào, ngay như cà phê Rosbusta Indonesia đi sau nhưng vẫn có trên bản đồ cà phê thế giới. Vậy làm thế nào để cà phê của Việt Nam định vị trên bản đồ thế giới thì phải từ ý thức của người nông dân. Họ canh tác, thu hái trái chín phải đạt 90- 95% mới cho ra sản phẩm có chất lượng. Khi cà phê có chất lượng đồng nghĩa với việc được cấp thông hành khi tham gia xuất khẩu và có thể khẳng định được thương hiệu cà phê Việt Nam.
Ông Đặng Văn Khá, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết, trên địa bàn huyện việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê ngày càng tăng. Hiện nay, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ của huyện vào khoảng 15.000 ha chiếm hơn 33% diện tích cà phê toàn huyện. Năng suất bình quân đạt 125.000 tấn, trong đó có hơn 10.000 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, áp dụng tưới tự động phun mưa. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất cà phê đã đem lại hiệu quả thiết thực năng suất bình quân đạt cao 4,5 tấn/ha, trồng bón phân hữu cơ cũng đã tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, nhiều sản phẩm cà phê Honey ra đời tạo dựng được thương hiệu cà phê Di Linh vốn nổi tiếng từ thời Pháp.
Tại Lâm Hà, từ những diện tích nhỏ ban đầu, đến nay, huyện đã có 9.500 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ… và 78 ha sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao, trong đó nhiều nông hộ đã tham gia mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận và diện tích cà phê bền vững này không ngừng tăng lên theo từng năm.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, phát triển cà phê công nghệ cao là hướng đi đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Bởi không những tiết kiệm chi phí mà người nông dân còn cung cấp các sản phẩm cà phê an toàn ra thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen sản xuất truyền thống kém hiệu quả. Hiện nay, Lâm Đồng có 152.000 ha được các nông hộ sản xuất, vì vậy trong giai đoạn tới, Lâm Đồng sẽ hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp giữa các vùng sinh thái cà phê có những đặc điểm chung nhằm hướng đến đồng bộ các khâu trong quy trình sản xuất từ giống, kỹ thuật, tổ chức thu hái… đến việc thu mua đang hình thành ở vùng các phê Lâm Hà, Di Linh là hướng phát triển chung của ngành cà phê Lâm Đồng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn