Gia đình ông Nguyễn Văn An ở xóm Cao Trãng, xã Tân Cương (Thái Nguyên) có khoảng 2000 m2 trồng chè. Nhà ông An đã trồng chè hơn 40 năm. Nghề trồng chè ở đây cũng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi tuổi đã gần 80, ông An mới quyết định nghỉ ngơi để con cháu tiếp tục trồng trên mảnh đất của gia đình.
Vừa mời nước ông An vừa tự hào kể, mỗi xóm có khoảng 50 – 60 hộ làm chè, nhưng người làm chè giỏi và có uy tín trong xóm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà nào làm chè ngon thì thương lái tự tìm đến đặt mua chứ không phải mất công tìm lái.
Vì thế, chè của gia đình thường không bán lẻ mà có bao nhiêu các lái buôn sẽ gọi điện và về tận nơi để cân và thu mua hết. Có chăng bán lẻ thì cũng là cho anh em bạn bè, thân bằng cố hữu thôi, ông An cho biết.
Công việc của gia đình ông An thuận lợi nhất là vào 2 tháng cuối năm, đây là thời điểm giá chè cao nhất nên các hộ thường đi bán lẻ là chính, một kg chè có thể bán được giá gấp đôi so với bán buôn. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ, cây chè chỉ ưa thời tiết nắng ấm mưa nhiều, mà thời điểm cận Tết mưa lạnh nhiều nên năng suất cây chè khá thấp.
Để được năng suất cao nhất của cây chè thì phải vào tầm tháng 3 âm cho đến tháng 7 âm, thời điểm này các hộ làm chè phải bán đổ buôn mới hết được chè.
Anh Nguyễn Xuân Thịnh, cũng là một hộ trồng chè trong xóm cho biết, giá chè thương phẩm Tân Cương biến động theo mùa, trước Tết 1 – 2 tháng, thời điểm này chè ít nên giá đổ buôn đã là 250.000 đồng/kg tại nơi sản xuất, đến rằm tháng Chạp giá lại nhích thêm 50.000 đồng, lên 300.000 đồng/kg.
Ra Giêng, có 1 loại chè ngon hơn là chè xuân, có giá dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/kg. Ngoài ra, còn có thêm một loại là chè hiếm là ‘chè nõn loại 1’, giá bán buôn là 2 triệu đồng/kg, còn vào những ngày thường giá chè chỉ trên dưới 200.000 đồng/kg.
Theo anh Thịnh, giá mỗi thời điểm một khác, nhưng lúc chè ít, lúc chè nhiều nên bán thế nào thì trung bình 1 vụ chè từ 35 – 40 ngày, cũng thu về được khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí đi thì cũng được 14 – 15 triệu đồng/vụ. Một năm có 7 vụ thu hoạch chè thì cũng đem về gần 150 triệu đồng cho gia đình.
Tuy nhiên, trồng chè cũng mất 1 khoảng thời gian khá dài để tái sản xuất. Khi cây chè già, năng suất kém sẽ bị chặt bỏ. Trồng mới phải mất 2 năm thì mới hái được lứa chè đầu tiên và chè ngon không phụ thuộc vào lâu năm hay không mà phụ thuộc vào giai đoạn. Chè ngon nhất là khi cây chè đạt từ năm thứ 4 đến năm thứ 7.
Vừa thăm quan đồi chè anh Thịnh vừa chia sẻ, “làm nông thì việc nào cũng vất vả, nhưng trồng chè nhàn hơn trồng các cây khác vì 5 sào cũng chỉ cần 2 người chăm sóc, người lớn tuổi cũng có thể làm được. Thời gian làm chè của mình chỉ tập trung vào ngày hái chè, vườn nhà muốn hái xong trong 1 ngày có khi phải cần đến 10 người. Lúc này là lúc cần nhiều lao động nhất thì có thể đi thuê.”
Tuy làm chè là nghề chính, lái xe là nghề phụ nhưng 1 năm anh Thịnh cũng lái xe đến 8 tháng và đem lại thu nhập rất khá, khoảng 17 - 18 triệu đồng/tháng. Khoảng thời gian trống là rất nhiều để có thể làm thêm nhiều công việc, kiếm thêm thu nhập. Kết hợp được cả 2 công việc một cách hài hòa cũng đủ mang lại cho gia đình anh Thịnh thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Tác giả bài viết: Thế Hưng
Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn