Cách đây 3 năm, gia đình ông Vương Đình Phước (45 tuổi), ngụ đường Thánh Mẫu, TP Đà Lạt mạnh dạn chuyển đổi từ rau sang trồng dâu tây phục vụ du lịch canh nông, bán sản phẩm ngay tại vườn.
|
Ông Vương Đình Phước bên vườn dâu |
Thay vì trồng trên đất theo phương pháp truyền thống, vào mùa mưa tỷ lệ đậu quả của dâu rất thấp, lại thường bị dập, úng thối, vợ chồng ông Phước mạnh dạn đầu tư nhà kính để trồng dâu tây công nghệ cao. Ông Phước cho biết, gia đình đã có 3 đời làm rau, đến nay quyết định thay đổi cây trồng để tìm hướng đi mới. Lý do được ông đưa ra là: “Thời buổi giao thương thuận tiện, hàng hóa Trung Quốc nhiều, rau cỏ Đà Lạt khó bề cạnh tranh nổi. Trồng rau vất vả, bấp bênh, luôn trong tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa thậm chí có những vụ không bán được...”. Vậy là cách đây 3 năm, vợ chồng ông Phước chuyển từ trồng rau sang dâu tây với mục đích phục vụ khách du lịch và bán lẻ sản phẩm ngay tại vườn. Theo ông Phước, ban đầu, lúc mới bắt tay vào làm, nghĩ cũng sợ vì đầu tư lên tới 250 triệu đồng/1.000 m2, chưa kể tiền làm nhà kính đã bỏ ra trước đó. “Nhiều đêm mất ngủ. Cũng may, sau hai tháng rưỡi gieo trồng, vườn dâu bắt đầu cho ra trái, lại đúng vào mùa du lịch nên du khách cứ nườm nượp đổ tới tham quan và mua dâu, trái ra không đủ để bán!..”, ông Phước vui mừng kể lại.
Tận dụng địa thế gần mặt đường Thánh Mẫu, lại tiếp giáp với Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu – Mộng Mơ và đường đi Langbiang nên vợ chồng ông Vương Đình Phước đang mở cửa trang trại, trở thành điểm tham quan du lịch canh nông. Ông Phước cho biết, vào mùa cao điểm du khách tới Đà Lạt, mỗi ngày trang trại dâu tây của gia đình ông đón cả hàng trăm người tới tham quan. Dâu tây được trồng trong nhà kính tại trang trại của gia đình ông Phước được bán với giá cao gấp đôi so với dâu tây bên ngoài. Dù vậy, vườn dâu tây này thường xuyên “cháy hàng” bởi nhu cầu mua dâu tây của du khách tại vườn luôn rất cao.
Khi chúng tôi có mặt ở trang trại dâu tây của gia đình ông Phước cũng là lúc vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành (62 tuổi), ngụ tại TP Hồ Chí Minh bước vào vườn để tự tay hái những trái dâu tây căng mọng. Ông Thành cho biết, mùa này dâu tây được bày bán khá nhiều tại chợ Đà Lạt và các điểm du lịch, cần bao nhiêu cũng có, giá cả rất phù hợp lại được giao hàng tận nơi yêu cầu. Thế nhưng, vợ chồng ông đã từ chối nhiều lời mời mua dâu tây ở những điểm này để tới trang trại dâu tây của gia đình ông Vương Đình Phước. “Mục đích của vợ chồng tôi là tới tham quan vườn dâu, tiện thể mua về làm quà cho các cháu. Vợ chồng tôi tự tay hái, lựa chọn được những trái ưng ý!...”, ông Thành chia sẻ.
|
Khách tới tham quan và hái dâu tây tại vườn của gia đình ông Vương Đình Phước |
Nhu cầu của du khách hái và mua dâu tây tại vườn rất cao nhưng mỗi ngày trung bình trang trại của gia đình ông Vương Đình Phước chỉ cho thu hoạch khoảng 25 kg đến 30 kg. Trang trại này gồm hai loại dâu tây gồm giống Nhật và New Zealand. Tất cả đều được trồng trên giá thể cách mặt đất 70 cm trong nhà kính. Các chất dinh dưỡng để nuôi cây đều được hòa lẫn vào nước, tưới nhỏ giọt tới từng gốc dâu với lưu lượng vừa phải để tránh lãng phí nước và phân bón. Vào mùa mưa, tại Đà Lạt các loại dâu tây truyền thống được trồng ngoài trời như giống Mỹ hương, Mỹ đá… phần lớn bị hư hỏng do thời tiết và bệnh tật gây hại khiến giá dâu tây tăng rất mạnh. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu của du khách lại tăng đột biến đã đẩy giá dâu tây Đà Lạt lên rất cao. Hiện, giá dâu tây giống Nhật được bán lẻ cho khách du lịch tại vườn của gia đình ông Phước lên tới 400.000 đồng/kg, dâu tây giống New Zealand là 300.000 đồng/kg. Với giá bán trên, gia đình nhà nông này đạt doanh thu trên dưới 250 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Phước tiết lộ, làm dâu tây cho du khách tới tham quan và bán sản phẩm ngay tại vườn khá nhàn. Với 3.000 m2dâu tây trong nhà kính nhưng vợ chồng ông Phước chỉ phải thuê hai nhân công lao động. Công việc hằng ngày của họ chủ yếu là cắt tỉa lá dâu và làm vệ sinh vườn tược. “Việc thu hoạch dâu tây đã có khách tới tham quan và tự hái. Đầu ra không phải lo bấp bênh như thời còn trồng rau, sản phẩm được bán tại vườn. Tưới tiêu thì đã có máy móc, cứ tới giờ là tự hoạt động và tự ngắt!..”, ông Phước nói.