Do điều kiện ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang luôn thiếu nước vào mùa khô, thừa nước vào mùa mưa. Để khắc phục tình trạng này một nông trại sinh thái ở đây đầu tư hệ thống nhà lưới và thiết bị tưới nhỏ giọt giúp việc sản xuất rau diễn ra quanh năm, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Thu hoạch rau trồng trong nhà lưới của Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái Phú Quốc
Hàng năm, huyện đảo Phú Quốc đón khá đông lượng du khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng nên nhu cầu phục vụ nhà hàng cho du khách cũng phát triển mạnh và nhu cầu sử dụng rau xanh cũng tăng cao. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên diện tích trồng rau xanh ở huyện đảo cũng không nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và du khách. Vào những ngày biển động, giá rau xanh mặc dù tăng khá cao nhưng cũng không đủ nhu cầu. Xác định được nhu cầu đó, những năm qua, Công ty cổ phần nông trại sinh thái (Công ty ECOFRAM) mạnh dạng ứng dụng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ mới. Mục đích là giúp rau có điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, luôn đảm bảo rau xanh chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu của huyện đảo. Theo anh Nguyễn Liên Quốc, Trưởng Nông trại sinh thái Phú Quốc, vào mùa khô ở Phú Quốc nguồn nước tưới thiếu nghiêm trọng, chủ yếu sử dụng giếng khoan công nghiệp. Vì thế, tại Nông trại sinh thái đang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với công nghệ mới. Loại hệ thống này đảm bảo được nước tiết kiệm tối đa và áp dụng sử dụng rất hiệu quả ở huyện đảo còn rất khó khăn về nước tưới tiêu trong mùa khô. Khu Nông trại sinh thái có tổng diện tích trên 10.000 m2 bố trí 5 khu nhà lưới, trồng đa dạng các loại, từ rau muống, cải xanh, cà chua, ớt, cho đến khổ qua, dưa leo, dưa lê… Nhờ có mái che, thiết bị tưới nhỏ giọt, đảm bảo độ ẩm tốt cho rau phát triển, tiết kiệm chi phí, nên lượng rau được trồng luân canh quanh năm để cung cấp ra thị trường huyện đảo, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày Nông trại sinh thái Phú Quốc cung ứng từ 600 - 700 kg rau sạch các loại ra thị trường, chủ yếu là cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên đảo. Cũng theo anh Nguyễn Liên Quốc, Trưởng Nông trại sinh thái Phú Quốc, trồng rau trong mô hình nhà lưới được thiết kế hệ thống bao xung quanh, phía trên có màng ngăn mưa, điều tiết lượng nước vào mùa mưa, có tác dụng ngăn chặn côn trùng xâm nhập, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.Bên cạnh đó, kết hợp kỹ thuật tưới nhỏ giọt giúp lượng nước và phân bón được chuyển đến bộ rễ đồng đều, giúp cây hấp thụ tốt và hạn chế lượng phân bón, nước tưới. Công nghệ tưới mới này tiết kiệm từ 30 – 60% lượng nước tưới so với thông thường, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Hệ thống trồng rau trong nhà lưới, ngoài chi phí đầu tư cao ở giai đoạn đầu, thời gian sau sẽ nhẹ công hơn do hạn chế được khâu quản lý được sâu bệnh và hạn chế được nước tưới. Ngoài ra, mô hình giúp đảm bảo cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, giảm chi phí đầu vào, công chăm sóc mang lại sản lượng cao trong nông nghiệp, cho sản phẩm sạch, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế. Theo ông Lê Đình Quảng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Quốc, vào mùa khô lượng rau xanh ở huyện đảo luôn thiếu, phải mua từ đất liền ra cung ứng. Vì vậy, những năm gần đây, Hội Nông dân huyện khuyến khích bà con nông dân ở những nơi trồng được rau màu thì tiếp tục nhân rộng. Trên địa bàn huyện hiện nay tập trung trồng nhiều ở thị trấn An Thới và xã Cửa Dương với diện tích khoảng 30 ha. Gần đây, có hộ đầu tư cả tỷ đồng để trồng rau theo mô hình thủy canh. Qua hai năm thực hiện, đến nay mô hình trồng rau thủy canh của hộ nông dân ở xã Cửa Dương đã và đang trồng nhiều loại rau xanh như cải ngọt, cải xanh, cải bẹ dúng, xà lách, rau muống, cà chua… cho thu hoạch mỗi ngày từ 40 - 50 kg rau sạch các loại. Dù giá thành của rau sạch trồng bằng phương pháp thủy canh tương đối cao so với rau trồng bằng phương pháp truyền thống, bình quân là 40.000 đồng/kg nhưng không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Đây là một tín hiệu vui cho nhà vườn ở huyện đảo. Với đà này, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân có điều kiện chuyển sang trồng theo mô hình này để có thêm nguồn rau sạch phục vụ bà con địa phương và du khách đến tham quan, du lịch trên huyện đảo. Với ưu điểm tiết kiệm được nước tưới và tận dụng diện tích đất, việc trồng rau sạch theo công nghệ cao mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp huyện đảo Phú Quốc. Hơn hết là phục vụ tốt nhu cầu rau an toàn cho người dân, nhất là lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở “thiên đường đảo ngọc”.