Vườn thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP
Với mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) của ông Đoàn Trung Ngọc, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng (Đồng Nai) không chỉ giúp cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đồng thời, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình với thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Là người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng hơn 7 ha đất vườn nhà mình theo chương trình hỗ trợ cây giống trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2010. Trước đây, để có năng suất, ít sâu bệnh… gia đình ông Đoàn Trung Ngọc thường áp dụng các biện pháp chăm sóc thông thường như: phun thuốc trừ sâu, bón phân vô tội vạ gây ảnh hưởng đến chất lượng quả và ô nhiễm môi trường. Khi thương các đầu mối thu mua xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính như: Mỹ, Nhật, Châu Âu thì thanh long ruột đỏ của gia đình ông không đáp ứng được yêu cầu.
Đến đầu năm 2015, ông Ngọc đã mạnh dạn áp dụng trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn 'Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP)', trên diện tích khoảng 2 ha. Sau 2 năm áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nay gia đình ông đã thay đổi tư duy sản xuất từ cách trồng, chăm sóc, bón phân cho đến thu hoạch. Tất cả được ghi chép một cách khoa học và nghiêm ngặt hơn.
Từ đó, các lứa thanh long ruột đỏ của gia đình ông đã được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, đáp ứng được các yêu cầu thị trường xuất khẩu, với giá cả luôn ổn định ở mức cao từ 40-50 ngàn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định. Ông Đoàn Trung Ngọc- người trồng thanh long ruột đỏ theo GlobalGAP, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom chia sẻ: “Làm GlobalGAP thì vất vả hơn so với trồng thanh long theo truyền thống. Bù lại sản xuất ra bao nhiêu bán bấy nhiêu, giá cả theo thị trường.
Mặc dù, năng suất có thể không bằng trồng theo dạng truyền thống, nhưng bù lại giá bán ổn định từ 40- 50 ngàn đồng/kg vì đã được ký kết bao tiêu trước”.
Sau những hiệu quả mà GlobalGAP mang lại từ 2 ha, đến nay tất cả hơn 7 ha thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngọc đã được làm với mô hình này. Việc sản xuất thanh long ruột đỏ theo quy trình GlobalGAP nhằm đem lại sản phẩm sạch, chất lượng cao bởi tất cả mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là khâu bón phân, phun thuốc BVTV đều sử dụng liều lượng và thời gian phun hợp lý và có sổ ghi chép nhật ký từng ngày. Sản phẩm thanh long ruột đỏ GlobalGAP của gia đình ông đã có mặt trên thị trường các nước.
Ảnh: Hồng Lĩnh |
Xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) hiện có khoảng 70 ha thanh long ruột đỏ. Mới đây, UBND xã cũng đã thành lập một Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ với khoảng 60 thành viên. Tuy nhiên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP mới chỉ có một vài hộ gia đình áp dụng. Đây là con số khá thấp so với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Vì thế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, tham quan, học hỏi về mô hình này cần được triển khai cho bà con nông dân nhằm phát huy hiệu quả mà mô hình GlobalGAP mang lại.
Ông Trần Quốc Hơn, chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom cho biết: “Trong thời gian tới Chính quyền địa phương sẽ có tuyên truyền mạnh hơn về việc sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP vì nó có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, GlobalGAP đem lại các sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, giá cả ổn đinh...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn