Một vùng văn hóa linh thiêng
Am - chùa Ngọa Vân được xem là "thánh địa" của Phật giáo Trúc Lâm.
Mùa xuân, cả triệu du khách đều hướng về vùng đất thiêng Yên Tử, về Ngoạ Vân - thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Đó là tâm thế tìm về nguồn cội tâm linh của người Việt bao đời, bởi Yên Tử vốn là danh sơn nước Việt từ cả ngàn năm nay. Gắn liền với lịch sử phát triển của Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ gồm nhiều chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng nằm rải rác trên tuyến đường trải dài từ Bí Thượng đến đỉnh núi, giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, thơ mộng.
Yên Tử - Ngọa Vân ngày nay tách biệt về địa giới hành chính nhưng xưa kia có sự gắn kết rất lớn, là một không gian chung. Đặc biệt, Ngọa Vân được Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn làm nơi nhập niết bàn, sau khi Ngài viên tịch, hỏa thiêu, xá lị thu về được phân phát ở nhiều nơi, trong đó ở Quảng Ninh có tháp Tổ Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm và tại Ngọa Vân. Vì vậy, nơi đây còn được xem là Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm. Không chỉ Ngọa Vân, quần thể di sản nhà Trần ở Đông Triều còn dày đặc hệ thống các di tích chùa, tháp, đền, miếu, lăng mộ gắn với các triều đại trong lịch sử, đặc biệt đậm đặc là thời nhà Trần với nhiều giá trị đặc sắc, “có một không hai”. Chính vì thế, việc đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị các di sản này không chỉ nhằm khôi phục lại “một thời vàng son”, tri ân công đức với người xưa mà còn nằm trong định hướng, quy hoạch của trung ương, của tỉnh về khai thác, phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh.
Trở lại Yên Tử chỉ vài năm gần đây, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi diện mạo đổi khác nơi đây. Nhiều chùa, am, tháp bị xuống cấp đã được tu bổ, trùng tu lại, như một số tháp tại khu vực vườn Tháp Tổ, hồ Mắt Rồng, chùa Một Mái. Khu vực An Kỳ Sinh giờ đây sừng sững bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng với khuôn viên được đầu tư, mở rộng, tạo thành một không gian ấn tượng, một điểm dừng chân thuận tiện cho khách hành hương trước khi lên chùa Đồng, điểm cao nhất trong hành trình chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử.
Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử được doanh nghiệp đầu tư dưới chân núi Yên Tử với quy mô gần 16ha, trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch của Yên Tử. Đầu tư lớn nhất gần đây là Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, với quy mô gần 16ha, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, gồm: Khu tĩnh dưỡng Legacy - Mgallery và làng Nương Yên Tử, cổng Khai Tâm, hồ Ngoạn Nguyệt, quảng trường Minh Tâm, vườn Hoa Tâm, cung Trúc Lâm… đã tạo ra một không gian văn hóa độc đáo phục vụ du khách dưới chân Yên Tử. Nơi đây có đầy đủ các điều kiện như: Phòng nghỉ tiêu chuẩn cao cấp, hệ thống các nhà hàng phục vụ hàng ngàn khách với phong cách ẩm thực Việt; ẩm thực chay dưỡng sinh; ăn món cung đình; hội trường Diên Hồng với sức chứa gần 1.000 khách; cung Trúc Lâm sức chứa hơn 3.000 khách và các không gian cảnh quan ngoài trời lý tưởng. Đây là dự án nhằm tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu đưa các dịch vụ ra xa “vùng lõi” của di sản…
Du lịch văn hoá tâm linh ở Đông Triều đi sau Yên Tử bởi các di sản nơi đây từng “ngủ quên” trong hoang phế giữa núi rừng hoang sơ. Để “đánh thức” các di sản nhà Trần, trong khoảng gần chục năm trở lại đây, Đông Triều đã vào cuộc đồng bộ với nỗ lực vượt khó mạnh mẽ. Theo đó, nhiều phần việc được tiến hành song song với nhau, từ khai quật khảo cổ, huy động các nguồn lực xã hội hoá để trùng tu, tôn tạo di sản, cho đến xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các di tích và đầu tư hệ thống dịch vụ phục vụ cho du lịch. Tất cả hầu như phải làm từ đầu, vì di tích gốc đổ nát nằm dưới lòng đất, kinh phí ngân sách khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở mức tối thiểu...
Đến nay, hàng loạt di sản đã và đang được trùng tu với trị giá hàng trăm tỷ đồng, như chùa Ngoạ Vân, Thái Miếu, chùa Quỳnh Lâm, Trung Tiết, Non Đông... Từ cổng khu di tích nhà Trần bề thế, hoành tráng dẫn vào các di tích là những tuyến đường bê tông rộng thênh thang kết nối với nhau. Hệ thống cáp treo lên Ngoạ Vân cho du khách thêm sự lựa chọn mới. Để kết nối 2 khu du lịch văn hoá tâm linh lớn của Quảng Ninh là Đông Triều - Uông Bí, tỉnh đã đầu tư trên 700 tỷ đồng để bê tông hoá tuyến đường kết nối Yên Tử - Hồ Thiên - Ngoạ Vân, giúp du khách sau khi hành hương Ngoạ Vân hoặc Yên Tử xuống núi, có thể rẽ thẳng sang di tích kia với quãng đường được rút ngắn so với trước kia.
Công viên hoa Yên Trung Lake do tư nhân đầu tư, là điểm check-in hấp dẫn du khách tại TP Uông Bí.
Không chỉ Yên Tử, Ngọa Vân, các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của Quảng Ninh còn trải rộng trên khắp các địa phương. Đó là Bạch Đằng giang gắn với chiến tích chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc trên mảnh đất Quảng Yên, là những “cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Tổ quốc cùng hệ thống hàng trăm đình, chùa, miếu khác là những di sản văn hóa vật chất cha ông để lại trên dải đất này qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Các di sản đều đã và đang được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí để bền vững với thời gian, đồng thời trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch địa phương.
Biển xanh, cát trắng và…
Du lịch văn hóa tâm linh hiện là một trong 4 dòng sản phẩm du lịch chính mà Quảng Ninh đang tập trung phát triển, gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng sinh thái và du lịch biên giới. Trong đó, thế mạnh lớn nhất của Quảng Ninh chính là du lịch biển cùng niềm tự hào sở hữu di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cùng rất nhiều những bãi biển cát trắng trải dài từ Hạ Long, Cẩm Phả cho tới Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái.
Để phát huy thế mạnh du lịch biển, tỉnh và các địa phương, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ chất lượng đẳng cấp phục vụ du khách. Có thể thấy, trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Quảng Ninh đã phát triển hết sức mạnh mẽ với những dự án lớn biến Bãi Cháy ô nhiễm thành bãi tắm công cộng cát trắng, nước trong, SunWorld Halong Complex là tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các dự án resort cao cấp của các nhà đầu tư lớn như FLC Hạ Long, Vinpearl Hạ Long, Tổ hợp giải trí Hạ Long Marina, các khu nghỉ dưỡng cao cấp… Cơ sở lưu trú trên địa bàn hiện cũng rất phát triển với hơn 32.600 phòng thuộc 1.950 cơ sở khác nhau, cùng hàng trăm cơ sở dịch vụ, trong đó có 25 nhà hàng, 19 điểm mua sắm, 12 bãi tắm du lịch…
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long hiện là cảng tàu khách chuyên biệt duy nhất tại Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phương
Với trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh là TP Hạ Long hiện nay đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo, như: Tham quan, khám phá Vịnh Hạ Long bằng tàu du lịch, thuyền kayak, thủy phi cơ, bay trực thăng ngắm vịnh, hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững kết hợp với du lịch có trách nhiệm…). Cùng với đó là tham quan các danh lam, thắng cảnh, công trình văn hóa, vui chơi, nghỉ dưỡng mới, như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Công viên Hạ Long, Hạ Long Bay Gofl Club & Luxury Resort… Xu thế đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách bên cạnh sản phẩm thế mạnh du lịch biển cũng là xu hướng của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Như TP Móng Cái cùng với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng còn tập trung phát triển du lịch biên giới kết hợp du lịch đô thị, khai thông xe du lịch tự lái nối dài tuyến Hạ Long - Quế Lâm; phát triển du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch mua sắm, ẩm thực. Huyện Hải Hà tập trung phát triển 3 dòng sản phẩm chính là du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng (biển đảo Cái Chiên), du lịch tâm linh, du lịch biên giới cửa khẩu (Bắc Phong Sinh)…
Nhiều chuyên gia về du lịch từng đánh giá rằng, du lịch Quảng Ninh phát triển chưa thật cân đối, quá tập trung tại TP Hạ Long và khai thác quá mức đối với Di sản Vịnh Hạ Long. Chính vì vậy, tỉnh đã có chủ trương mở rộng không gian phát triển du lịch ra nhiều địa phương có thế mạnh trên địa bàn. Kết quả đã cho thấy sự chuyển dịch đáng khích lệ trong những năm gần đây. Đông Triều, ngoài khu di sản nhà Trần, các doanh nghiệp đã đầu tư những khu vui chơi, giải trí lớn, như Khu du lịch Quảng Ninh Gate, Công viên văn hóa - thể thao Hà Lan, Khu du lịch làng quê Yên Đức… Uông Bí đầu tư thành chuỗi các sản phẩm du lịch, như khu du lịch Lựng Xanh, khu du lịch sinh thái Hồ Yên Trung, công viên hoa Yên Trung Lake, Thung lũng hoa Yên Tử… Cẩm Phả đầu tư chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng khu di tích đền Cửa Ông, đầu tư khu du lịch suối khoáng nóng cao cấp… Vân Đồn xây dựng những chương trình trải nghiệm văn hóa, đời sống ngư dân… Hoành Bồ có Thiên đường hoa Quảng La, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với làm du lịch. Bình Liêu đầu tư các điểm homestay, vườn hoa trên lưng chừng đỉnh Cao Sơn tại xã Đồng Văn, các bản văn hóa du lịch…
SunWorld Halong Complex là tổ hợp vui chơi giải trí hàng đầu Việt Nam, được doanh nghiệp đầu tư bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hùng Sơn
Việc tìm tòi, khai thác những giá trị văn hóa riêng đưa vào các sản phẩm du lịch đã tạo ra sắc màu phong phú cho du lịch Quảng Ninh. Khẳng định sự cần thiết đưa các giá trị văn hóa bản địa vào hoạt động trải nghiệm cho du khách, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, trong một lần trò chuyện cùng chúng tôi, đã nhấn mạnh: “Những nét văn hóa đặc trưng tạo nên sự hấp dẫn cho kho tàng văn hóa của Quảng Ninh và cũng là chất liệu hiếm có để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt cho vùng đất này. Qua đó cho thấy, những giá trị độc đáo riêng của Quảng Ninh không chỉ có Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long, sản phẩm du lịch không chỉ có nghỉ dưỡng, tắm biển, ngắm cảnh thiên nhiên, mà còn những trải nghiệm mới lạ để du khách hòa mình vào đời sống của người dân nơi đây, tận hưởng và cảm nhận những nét văn hóa miền biển nói riêng…”.
Phan Hằng/ https://www.quangninh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn