Mô hình cà phê bền vững quy mô nông hộ tại huyện Cư M’gar.
Đã gần một thế kỷ trôi qua khi cây cà phê đầu tiên được trồng ở Dak Lak, nó mang trong mình dấu ấn những ngày tháng lao động nhọc nhằn, thấm đẫm nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của người lao động bản xứ, của giai cấp công nhân đã đổ xuống tại các đồn điền trong cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Đến hôm nay, cà phê đã xác lập được vị thế thượng tôn, trở thành 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng của cả nước, là cây kinh tế chủ lực của Dak Lak - Tây Nguyên. Ông Trần Trọng Khánh ở thôn 2, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột cảm thấy rất đỗi tự hào là người người nông dân ở thủ phủ cà phê này. Bởi lẽ, mấy chục năm gắn bó, cây cà phê đã giúp gia đình ông vượt qua khó khăn trong những ngày đầu trên quê hương mới để từ đó vươn lên làm giàu. Cà phê trở thành cây kinh tế chủ lực không chỉ riêng những gia đình đi kinh tế mới như ông mà còn là của biết bao nông dân bản địa. Đời sống của bà con dân tộc thiểu số ở buôn Dhă Prông, Ea Bông, xã Cư Êbur đang đổi thay từng ngày chính là từ sự góp phần của cà phê. Chị H’Wơt Ênuôl, buôn Dhă Prông, cho biết: “Đã mấy chục năm đời sống kinh tế của bà con trong buôn gắn bó mật thiết với cây cà phê nên đây là loại cây rất quan trọng đối với sự phát triển của buôn làng. Từ nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, người trồng cà phê trong buôn cũng đã từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao năng suất, sản lượng. Phương thức sản xuất cà phê bây giờ của bà con mình chuyên nghiệp lắm, vì vậy hạt cà phê làm ra sạch hơn, chất lượng hơn”.
Có thể thấy, không đâu như ở Dak Lak, cà phê hiện diện trong từng bữa cơm hàng ngày. Với 80% diện tích cà phê là của các nông hộ, càng cho thấy họ là người có tiếng nói quyết định trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay nông dân đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản… thể hiện sự thay đổi trong cách ứng xử của người nông dân với cà phê. Thay vì “bóc lột” năng suất thì yếu tố bền vững đang ngày càng được người trồng cà phê chú trọng. Gia đình ông Châu Ngọc Bằng ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar chia sẻ, với 2,5 ha cà phê trồng từ những năm 1987 – 1989 đã giúp gia đình ông có đời sống ổn định, có tích lũy. Tuy nhiên, sau 25 năm khai thác, vườn cà phê của gia đình đã trở nên già cỗi, năng suất giảm, phẩm chất kém, ông Bằng đã chủ động tiếp cận kỹ thuật trồng hiện đại bằng cách nghiên cứu sách báo, học hỏi phương pháp trồng trọt từ các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững như 4C, Rain Forest... để ứng dụng vào canh tác trên vườn cây của gia đình. Một nửa diện tích cà phê của ông đã được trồng lại mới, bỏ đi thế hệ cây già cỗi.
Qua hơn một trăm năm lịch sử thăng trầm, cà phê Dak Lak đã góp phần vào thành tích thứ 2 về sản lượng xuất khẩu của cả nước, vậy nhưng giá trị kinh tế mà nó mang lại cho người nông dân vẫn chưa được như kỳ vọng. Để cải thiện thu nhập, họ vẫn phải trồng thêm nhiều loại cây khác, như tiêu, bơ , sầu riêng… xen canh trong vườn cà phê. Nỗi nhọc nhằn ấy in hằn từng vết chai sạn trên đôi bàn thâm xỉn nhựa cà phê qua bao mùa mưa nắng. Một mùa lễ hội nữa lại về, mang niềm hân hoan, tự hào cho những người đã góp phần tạo dựng nên thương hiệu, văn hóa cà phê Việt Nam với khát vọng vươn ra toàn cầu. Và đằng sau niềm hân hoan, tự hào ấy còn là niềm mong mỏi, khấp khởi kỳ vọng về một sự đột phá trong chiến lược phát triển bền vững để mang lại công bằng trong chuỗi giá trị cà phê.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn