Đại biểu tham quan mô hình trồng cây xạ đen tại xã Phú Lâm.
Cây xạ đen vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng chữa xơ gan cổ chướng, ức chế tế bào ung thư gan, ung thư biểu mô miệng, dạ dày, ung thư máu cấp tính, ung thư phổi ở mức yếu...
Ngoài xạ đen, Phú Lâm còn xây dựng 2 mô hình 0,8 ha cà gai leo, 0,2 ha cây cỏ ngọt, kết hợp với lá sen, để sản xuất trà thảo dược xạ đen.
Theo đó, để sản xuất trà thảo dược xạ đen, cần có thêm cà gai leo, cỏ ngọt, lá sen, để phát huy các dược tính tốt, cho ra sản phẩm an toàn, chất lượng.
Được biết, hàm lượng glycoalcaloid trong cà gai leo có tác dụng ức chế sự sao chép virus, làm âm tính virus viêm gan B, chống viêm gan, ức chế mạnh sự phát triển xơ gan.
Cây cỏ ngọt có độ ngọt gấp 300 lần đường saccaroza, ít năng lượng, không lên men, không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, giúp thay thế đường trong chế độ ăn kiêng, dùng làm chất điều vị của trà.
Lá sen có tác dụng ức chế quá trình chyển hóa lipid, giảm hấp thu chất béo, chống xơ vữa động mạch…
Sau hai năm thực hiện đề tài, nhóm đã tập huấn cho 60 người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nguyên liệu.
Theo đó, cà gai leo, cỏ ngọt được trồng từ hạt và cây hom, trồng hạt, năng suất cao hơn cây hom 11-16%. Cà gai leo có hàm lượng glycoalcaloid cao gấp 8-10 lần, so tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam.
Đã sản xuất thử nghiệm 5.000 hộp trà túi lọc thành phẩm, khối lượng tịnh mỗi hộp 40g (20 túi/hộp), đảm bảo chất lượng, ATTP. Nếu bán 30.000 đồng/hộp trà, trừ chi phí, lãi 12.000 đồng/hộp.
Bà Vi Thị Toan, xã Phú Lâm, cho biết, năm 2014, bà trồng 6.000 m2 cây xạ đen, hiện, đang sinh trưởng tốt. Quá trình chăm sóc, không sử dụng thuốc trừ sâu.
Để cây phát triển khỏe mạnh, bà bón bằng phân hữu cơ... Vườn xạ đen cho thu hoạch 500 - 550 kg xạ đen khô/năm, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng.
Từ năm 2017 đến nay, bà Toan tiếp tục trồng 5.000 m2 cà gai leo, 2.000 m2 cây cỏ ngọt. Được hỗ trợ giống, tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, sấy bảo quản nguyên liệu.
Sau khi sấy khô, bán cho dự án và khách du lịch, 80 - 100 nghìn đồng/kg xạ đen, 100-120 nghìn đồng/kg cà gai leo và 100 - 150 nghìn đồng/kg cỏ ngọt. Hiện, nguồn nguyên liệu được nhiều khách trong và ngoài tỉnh tìm đến.
Theo đánh giá ban đầu, trồng xạ đen, cà gai leo, cỏ ngọt, giúp bảo vệ, phát triển nguồn dược liệu quý, cung cấp nguồn dược liệu tại tỉnh và các công ty dược phẩm...
Mặt khác, việc sản xuất trà thảo dược xạ đen túi lọc thành công, đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm tại khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm nói riêng, và của Tuyên Quang nói chung, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
An Như
Nguồn tin: https://kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn