Quán triệt chủ trương đó, hoạt động thông tin tuyên truyền năm 2017 tiếp tục bám sát các định hướng của Bộ NN-PTNT như: Sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững trên các cây, con chủ lực; Liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, đặc biệt là tập trung vào các vấn đề phát sinh từ thực tiễn sản xuất như tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh...
Tham quan mô hình nuôi ong mật chất lượng cao tại Phú Thọ |
Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, sự vào cuộc có hiệu quả của các địa phương, đặc biệt là sự phối hợp của các đơn vị cộng tác, hoạt động thông tin tuyên truyền đã có những đổi mới mạnh mẽ, đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Năm 2017, Trung tâm KNQG đã tổ chức xuất bản 12 số Bản tin Khuyến nông Việt Nam với số lượng 7.000 bản/số, với gần 900 tin, bài, ảnh. 4.310 địa chỉ từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn, bản, câu lạc bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, xã nông thôn mới đã thường xuyên được tiếp nhận các thông tin hữu ích trong sản xuất nông nghiệp từ Bản tin. 120 xã nông thôn mới tiếp tục được Trung tâm hỗ trợ xây dựng "Tủ sách khuyến nông".
Biên soạn và phát hành 22 đầu ấn phẩm với số lượng trên 142.000 bản. Trong đó, 72% số lượng tập trung vào các chủ đề phục vụ phòng chống dịch bệnh trên cây điều và lúa theo chỉ đạo của Bộ, gồm: 52.000 tờ gấp, tờ poster, sổ tay “Biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa” phát hành đến 22 Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các xã nông thôn mới; 20.000 tờ gấp “Kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại điều niên vụ 2017 - 2018”; 30.000 tờ gấp "Kỹ thuật phòng trị bệnh cho cá nước ngọt".
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phát hành các ấn phẩm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hướng dẫn cách phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây trồng vật nuôi như tờ gấp: “Kỹ thuật nuôi ong mật; Kỹ thuật nuôi gà thả vườn; Kỹ thuật vỗ béo bò thịt; Hướng dẫn kiểm soát sử dụng hóa chất và kháng sinh trong nuôi cá tra; Tài liệu “Bài giảng ToT về VietGAP trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam”, “Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản”... 10 cuốn sổ tay về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên một số đối tượng cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày; cây ăn quả, cây rau - hoa.
Năm 2017, Trung tâm KNQG đã phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện 274 chương trình trên truyền hình (tăng 21% so với năm 2016); gần 700 Chương trình phát thanh; gần 6.500 tin, bài, ảnh trên báo giấy và trên 5.000 tin, bài, ảnh trên báo điện tử. Những thông tin đã góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách cũng như các tiến bộ kỹ thuật, thông tin các mô hình sản xuất hiệu quả, an toàn, bền vững tới người sản xuất. Hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng năm 2017 đã được đổi mới theo hướng:
Tập trung tuyên truyền trên một số báo mà nông dân dễ tiếp cận như: Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn ngày nay, Tạp chí Thủy sản.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền trên truyền hình, đẩy mạnh hình thức tọa đàm, tư vấn với gần 150 số trên VTV2 - Chuyên mục "Diễn đàn khuyến nông liên kết bốn nhà"; Trên Truyền hình Thông tấn - Chương trình "Tiêu điểm kinh tế"; Chương trình "Nông thôn đổi mới" trên Truyền hình Nhân dân; Chuyên mục "Cho mùa bội thu" trên VTV9.
Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 80 số tiểu mục "Sổ tay nhà nông" trong chương trình "Chào buổi sáng bông lúa" do chính các chuyên gia của Trung tâm tham gia tư vấn trên sóng. Chương trình gây được tiếng vang lớn, nhận được nhiều phản hồi tích cực về sự thân thiện, gần gũi và bổ ích, được lãnh đạo Bộ và bà con nông dân đánh giá cao.
Đẩy mạnh tuyên truyền đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên kênh sóng VOV1, VOV4 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Các chương trình được phát sóng bằng 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số các khu vực Tây Bắc (Thái, Mông, Dao), Tây Nam Bộ (Khơ me), miền Trung - Tây Nguyên (Cơtu, Ê đê, Gia Rai, BaNa, Xơ Đăng, Kơho, Mơ Nông, Chăm) với gần 600 số, tương đương với thời lượng 74 giờ phát sóng.
Trong năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 39 sự kiện khuyến nông, trong đó có 32 Diễn đàn, 01 Hội thi và 06 Hội chợ.
Với 32 Diễn đàn được tổ chức, đã thu hút sự tham gia của 230 tỉnh/thành với 8.500 đại biểu trong đó 5.760 nông dân sản xuất, đã có 1.035 câu hỏi được trao đổi tại các Diễn đàn. Chủ đề các diễn đàn bám sát định hướng của Bộ, đặc biệt nhiều diễn đàn phục vụ trực tiếp các chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh của Bộ như:
Phòng chống dịch bệnh trên cây điều: Trung tâm đã tổ chức 2 Diễn đàn tại Bình Phước với chủ đề “Giải pháp khôi phục và cải tạo vườn điều” thu hút sự tham gia của 3 tỉnh có diện tích điều lớn với trên 360 đại biểu trong đó 72% là nông dân. Diễn đàn đã đáp ứng nhu cầu thông tin về tình hình dịch bệnh hại và các giải pháp khôi phục, cải tạo nhằm hạn chế thiệt hại cho vườn điều.
Phòng chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa các tỉnh phía Nam: Trung tâm đã tổ chức 2 Diễn đàn tại Cần Thơ và Long An về chủ đề “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ” với 15 tỉnh tham dự, 570 đại biểu trong đó có 390 nông dân; 75 câu hỏi của đại biểu đã được trả lời tại Diễn đàn. Diễn đàn đã tuyên truyền chủ trương, chính sách, kiến thức kỹ thuật, giải pháp canh tác lúa bền vững tại các tỉnh Nam Bộ, đồng thời giúp người sản xuất kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Hội thi “Khuyến nông viên giỏi vùng duyên hải Nam Trung Bộ” thu hút 300 đại biểu, trong đó có 96 thí sinh từ 8 đội tuyển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.
6 Hội chợ triển lãm nông nghiệp - Thương mại tại các vùng sinh thái với tổng số 2.150 gian hàng, trong đó 605 gian hàng nông nghiệp, thu hút trên 200.000 lượt người tham quan mua sắm. Các Hội chợ đã góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa; giới thiệu sản phẩm nông sản, giống, công nghệ và các sản vật địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được của năm 2017, hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2018 với mục tiêu bám sát định hướng của Bộ và ngành phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành, tập trung vào 3 trục sản phẩm gồm: Sản phẩm chủ lực quốc gia; sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành và sản phẩm đặc sản vùng/miền; Nâng cao giá trị gia tăng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển cây con chủ lực - tận dụng lợi thế vùng miền, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế. Phổ biến kiến thức kỹ thuật, áp dụng công nghệ phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực của những loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra ở địa phương; xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn