|
Mô hình nuôi cá mú của ông Lập được nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan những ao nuôi cá mú đang trong kỳ xuất bán, ông Lập phấn khởi nói: “Lứa cá này đã bán gần hết, chỉ để lại vài trăm con bỏ mối cho các nhà hàng quen chờ gối vụ lứa cá sau”. Rồi ông Lập tâm sự: “Vợ chồng tôi là người vùng biển này, năm 2000 chúng tôi quyết định đến khu đê bao Đài Loan (xã Tam Hòa, một ốc đảo nhỏ nằm ở hạ lưu sông Trường Giang) để lập nghiệp. Gọi là khu đê bao Đài Loan vì lúc trước nơi đây được một Cty Đài Loan quy hoạch làm đê bao để nuôi tôm nhưng thất bại. Sau khi Cty này bỏ đi, nhiều người dân địa phương đã đến lập nghiệp trên những ao tôm này, trong đó có vợ chồng tôi. Lúc đầu, tôi dựng tạm căn nhà nhỏ trú mưa, nắng để nuôi tôm cải thiện cuộc sống. Cuối năm 2009 tôm bị bệnh chết hàng loạt khiến tôi lâm vào cảnh khó khăn, tài sản tích góp nhiều năm dường như mất trắng. Từ đó, tôi quyết định tìm hướng đi khác. Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy cá mú là loại cá có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lại lớn nên tôi quyết định nuôi thí điểm vài trăm con. Lúc mới nuôi, do điều kiện thời tiết, cá chưa thích nghi tốt nên việc chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. Kiên trì theo dõi những tập tính và môi trường thích ứng của loài cá mú, tôi đã tìm cách khắp phục được những mặt hạn chế ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của loài cá này.
Ông Lập chia sẻ: “Cá mú là loại cá nước mặn rất dễ nuôi, nhưng điều kiện tự nhiên miền Trung mưa nhiều đã làm thay đổi môi trường thích ứng của cá. Loài cá này có thể sống ở nồng độ muối 5/1.000, xuống quá ngưỡng đó cá sẽ chết. Vào mùa mưa, độ mặn trong hồ giảm xuống, do đó sau mỗi cơn mưa tôi sẽ tháo phần nước ngọt để ổn định độ mặn trong ao. Trong thời gian đó, cá dễ bị mắc bệnh nấm, một loại bệnh do vi khuẩn phát sinh từ da, sau đó lan rộng khắp mình, nổi vẩy dẫn đến cá bỏ ăn rồi chết. Phát hiện bệnh, tôi đã dùng rất nhiều loại thuốc trị nấm cá nhưng vẫn không khỏi. Sau thời gian theo dõi, tôi đã tìm ra cách trị dứt điểm căn bệnh đó bằng biện pháp điều hòa dòng nước dần đến mức thích nghi, kết hợp sử dụng các cách trị nấm bằng dược liệu tự nhiên do tự tôi tìm ra. Do đó, vào mùa bệnh cá vẫn có chết nhưng số lượng không đáng kể”.
Có được kinh nghiệm, ông Lập quyết định mua 15 sào đất xây dựng 3 ao chăn nuôi với mật độ thích hợp 1.000 con/4 sào. Sau vài năm tích lũy có thêm vốn, ông Lập tiếp tục thuê 15 sào đất xây dựng 2 ao nuôi lớn. Hiện nay, ông Lập nuôi nhiều lứa cá gối vụ để bán nhiều đợt trong năm. Với số lượng 4.000 con/1,5ha, giá khoảng 280 ngàn đồng/1kg, mỗi năm ông thu khoảng 500 triệu đồng. Nguồn cung cấp cá mú của ông Lập chủ yếu là những nhà hàng lớn trên địa bàn TP Tam Kỳ, H. Núi Thành... “Từ khi nuôi cá mú, kinh tế gia đình tôi đã khấm khá lên, tôi có điều kiện cho 3 đứa con ăn học đến nơi, đến chốn. Nghề nuôi cá tuy rất vất vả, nhưng với niềm say mê với loài cá này nên vợ chồng tôi cố gắng vượt qua. Mỗi buổi sớm tàu cập bến, vợ chồng tôi đã có mặt để thu mua, phân loại cá loại cá nhỏ về làm thức ăn cho cá mú. Càng mở rộng diện tích ao nuôi thì công việc càng nhiều. Bình quân mỗi ngày mua hơn 1 triệu đồng tiền thức ăn, 7-8 tháng mới thu hoạch nên vốn đầu tư rất lớn. Đặc biệt, loại cá này không gây ô nhiễm môi trường nên nuôi ổn định hơn tôm” - ông Lập chia sẻ.
Ông Ngô Văn Hiệp - Cán bộ thủy sản xã Tam Hòa cho biết, hiện tại địa phương có hơn 10 hộ dân nuôi cá mú tập trung ở thôn Hòa Bình. Trong đó điển hình là mô hình nuôi cá mú thương phẩm của ông Bùi Văn Lập quy mô lớn nhất, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mỗi năm ông Lập có thể thu nhập khoảng nửa tỷ đồng từ việc nuôi loại cá này. Trong thời gian đến, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá mú thương phẩm, góp phần cải thiện cuộc sống người dân nơi đây.
Tác giả bài viết: LÊ VƯƠNG
Nguồn tin: cadn.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn