Để sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, đòi hỏi phải tiếp cận công nghệ nông nghiệp các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bón phân hữu cơ cho cây trồng. Ảnh: MĐ. |
Bến Tre nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nhiều tiềm năng để phát triển ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực trạng chăn nuôi chủ yếu là mô hình gia trại.
Mô hình ủ phân thông khí cưỡng bức (ASP) do dự án các bon thấp tỉnh Bến Tre năm 2019 tài trợ, sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ (10 hộ, mỗi hộ 1 máy khoảng 8 triệu đồng) được triển khai tại xã Ngãi Đăng và Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam. Máy móc thiết bị được bàn giao cho hộ dân và đang thực hành ủ phân.
Một trong những nông hộ được hỗ trợ máy ủ phân hữu cơ, anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Minh Nghĩa (xã Ngãi Đăng) cho biết: “Hiện tôi đã ủ xong mẻ phân đầu tiên. Trước đây mình ủ theo phương pháp truyền thống tốn rất nhiều công sức để đảo phân, mỗi ngày khoảng 45 phút cho mẻ phân khoảng 2,5 tấn. Nay máy thực hiện chỉ 15 phút. Thời gian ủ rút ngắn từ 50 ngày xuống còn 45 ngày”.
Anh Nguyễn Văn Hoàng kiểm tra động cơ máy ủ phân. Ảnh: MĐ. |
Cũng theo anh Hoàng, nếu ở quy mô lớn hơn thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, vì máy móc đã làm thay tất cả. Rất phù hợp với điều kiện thiếu nhân lực lao động như nhà anh.
Hiện sản phẩm phân hữu cơ của gia đình anh được dùng bón thay thế hoàn toàn phân hóa học trong canh tác dừa, bưởi da xanh. Đặc biệt, dừa của vườn nhà anh được Cty dừa Lương Quới (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) bao tiêu thu mua với giá cao hơn thị trường 8.000 đồng/chục. Gần đây, anh đã bán được 800 trái dừa, 68.000 đồng/chục, trong khi trên thị trường chỉ 60.000 đồng/chục.
Tính toán về mặc chi phí anh Hoàng phấn khởi nói: “Giá thành phân hữu cơ mình tự làm rất thấp, nếu 5 công dừa của tôi trước đây bón phân hóa học phải mất 600.000 đồng/tháng, thì nay chỉ mỗi gốc dừa chỉ bón khoảng 5kg phân hữu cơ, 3 tháng mới bón lại một lần tính ra tiết kiệm 50% chi phí. Tình hình giá dừa xuống thấp, tiết kiệm được phần nào thì mình mừng chừng ấy, tôi thấy rất hiệu quả”.
Hiện sản phẩm phân hữu cơ của gia đình anh Hoàng được dùng bón thay thế hoàn toàn phân hóa học trong canh tác. Ảnh: MĐ. |
Mỏ Cày Nam là huyện có đàn heo lớn nhất của tỉnh Bến Tre, với tổng đàn khoảng 230.000 con. Bên cạnh đó, đàn bò gần 13.000 con, đàn gia cầm khoảng 1,1 triệu con sẽ cho lượng chất lượng chăn nuôi rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Dự án các bon thấp những năm qua đã hỗ trợ cho Mỏ Cày Nam rất nhiều trong xây dựng các công trình khí sinh học, mô hình chống ô nhiễm môi trường, sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả.
Đến nay, dự án đã hỗ trợ cho huyện xây dựng trên 3.000 công trình khí sinh học như hầm biogas bằng xi măng, composite. Mỗi hầm trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, bà con chăn nuôi đã tự nhân rộng mô hình làm hầm, túi biogas lấy chất đốt và chất thải bón trên vườn dừa. Hiện tổng số 13.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện các mô hình này”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn