Giá trị sản xuất đạt 155 triệu đồng/ha
Ông Nguyễn Chí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, là huyện khó khăn của Hà Nội nên trong quá trình xây dựng NTM, huyện luôn chú trọng tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân sản xuất.
Trên cơ sở cân đối ngân sách, huyện đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho vùng chuyển đổi; tăng cường tập huấn tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để người dân có thêm kiến thức, góp phần phát huy hiệu quả tối đa các mô hình nông nghiệp. Đồng thời, huyện hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho các doanh nghiệp, hộ dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Mô hình nuôi thủy sản mang lại thu nhập cao cho người dân một số xã của huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
"Thời gian qua, Huyện đã hình thành 3 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Mô hình trồng rau sạch 5.000m2; mô hình tự động hóa trong chăn nuôi lợn quy mô 2.246 tấn/năm; mô hình nuôi cá truyền thống bằng mô hình sông trong ao quy mô 4 sông”. Ông Nguyễn Chí Viễn |
“Chính nhờ chủ trương đúng đắn trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mà giá trị sản xuất của ngành liên tục tăng, năm 2017 đạt 3.572 tỷ đồng (chiếm 36,8% tổng giá trị sản xuất năm 2017). Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, giá trị thu nhập bình quân đạt 155 triệu đồng/ha” - ông Viễn khẳng định.
Cũng theo ông Viễn, nắm bắt được lợi thế về nuôi trồng thủy sản, nhiều xã trên địa bàn huyện đã thực hiện chuyển đổi, hình thành vùng thủy sản tập trung cho thu nhập cao, điển hình như: Đồng Tân, Hòa Lâm, Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú... với diện tích ước đạt hơn 3.200ha, sản lượng gần 30.500 tấn.
Có thể kể đến mô hình của gia đình chị Nguyễn Thị Chiên, người tiên phong chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cá truyền thống bằng mô hình sông trong ao. Chị Chiên còn hỗ trợ bà con nhân rộng trong toàn xã Trầm Lộng. Hiện, gia đình chị có ao cá rộng 3.600m2, mỗi năm thu hoạch 10 tấn, thu nhập đạt 400-500 triệu đồng.
“So với trồng lúa, nuôi cá mang lại thu nhập cao gấp 7-10 lần. Đặc biệt, nghề nuôi cá nhàn và ít gặp rủi ro hơn rất nhiều so với cấy lúa” - chị Chiên cho biết.
Tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Trong chuyến làm việc, thăm quan các mô hình NTM tại huyện Ứng Hòa vào đầu tháng 3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Ứng Hòa là huyện còn nhiều khó khăn nhưng đã có những nỗ lực đáng hoan nghênh, nhất là trong huy động nguồn vốn cho xây dựng NTM và không để nợ xây dựng cơ bản.
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy trong thời gian tới, bà Hằng nhấn mạnh, huyện Ứng Hòa cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; tăng cường xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong xây dựng NTM, huyện cần quan tâm đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng NTM của các xã. Quan tâm nhiều hơn tới công tác vệ sinh môi trường. Củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức hợp tác ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ; khuyến khích các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
“Trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa cần tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM, ưu tiên cho 4 xã hoàn thành xây dựng NTM năm 2018 và huy động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng NTM” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn