Vòng luẩn quẩn của nông sản Việt
Có tận mắt chứng kiến những cánh đồng bắp cải, cà chua, dưa hấu bị bỏ mặc ngoài đồng không muốn thu hoạch mới thấy xót xa. Tiền bán nông sản không bằng tiền thu hoạch nông sản nên dẫn đến tình trạng dưa hấu bỏ mặc ngoài đồng, chuối đổ cho lợn gà ăn, bắp cải, cà chua để chín rục ngoài đồng… Và cứ thế, cái vòng luẩn quẩn “được mùa - mất giá” của nông sản cứ thế tiếp diễn.
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao, 14% đối với lúa gạo, 25 -30% với chăn nuôi, rau củ quả..., chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Lý giải nguyên nhân này, không ít chuyên gia cho rằng, do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát; việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng, thiếu hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp.
Những quả dưa to căng mọng được các bạn tình nguyện viên xếp xuống bãi tập kết chờ bán |
Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, góp phần làm giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản nông sản, đa dạng hóa các sản phẩm của ngành nông nghiệp, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%. Song trên thực tế, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch ở Việt Nam còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Bên cạnh đó, để triển khai ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đối với người dân là quá khó. Bởi lẽ, do trình độ và thói quen, người dân rất khó tiếp thu, tiếp cận, áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch, dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản, trong khi đó, người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản. Hậu quả là nhiều loại nông sản Việt Nam như vải thiều, cà chua và mới đây nhất là dưa hấu xảy ra tình trạng “được mùa - mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào cảnh lao đao.
Hiện đã có một số nơi đang áp dụng những công nghệ bảo quản nông sản như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ...
Tuy nhiên, những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà...
Những quả dưa to căng mọng được các bạn tình nguyện viên xếp xuống bãi tập kết chờ bán |
Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp
Một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại nhiều năm qua là đa số nông dân vẫn còn đơn độc trong sản xuất. Nếu người dân có thể liên kết với doanh nghiệp để chế biến nông sản sau thu hoạch thì có lẽ nông sản không phải đổ bỏ như những ngày qua.
Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân dẫn lại ví dụ từ năm 1993 khi Chính phủ cho công ty gạo của Mỹ vào Việt Nam. Họ đã đưa vào máy sấy lúa, tách màu hạt gạo, rồi lập vùng nguyên liệu tại Thốt Nốt và Ô Môn thuộc tỉnh Cần Thơ. Tại đây, người dân chỉ trồng giống IR64 dưới sự giám sát và hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật. Khi thu hoạch, người dân đem đến các điểm thu mua của công ty này với giá cao hơn các doanh nghiệp khác.
“Tôi đã tìm hiểu và thấy nhờ máy sấy của họ giúp cho hạt lúa của bà con nông dân đạt tỉ lệ gạo cao hơn. Trong khi thị trường 2 lúa được 1 gạo thì họ dùng máy sấy này đúng phương pháp đã đạt tỉ lệ 66% gạo/lúa. Doanh nghiệp cũng chia sẻ phần dư ra giúp họ vừa có lãi hơn, vừa mua được giá cao hơn cho người nông dân”, GS Xuân nói.
Theo GS Xuân, sở dĩ ông đưa ra ví dụ này là muốn nói đầu tư công nghệ sau thu hoạch phải tối tân để hạt gạo, hạt lúa làm ra được nâng cao giá trị. “Nhưng hiện nay ít nhà máy làm theo kiểu này mà chỉ nhận gạo nguyên liệu của thương lái, trong khi không có thương lái nào chịu đầu tư đầu tư công nghệ”, GS Xuân lo ngại.
Mặc dù, Bộ KHCN đã có các chương trình nghiên cứu ứng dụng KHCN trong lĩnh vực sau thu hoạch, tuy nhiên, do kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn có hạn, vì vậy, kết quả nghiên cứu nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất. Chưa hình thành các vùng chuyên canh, những cánh đồng mẫu lớn để việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch được thuận lợi.
Dù vất vả nhưng những tình nguyện viên luôn nở nụ cười khi giúp bà con trong chiến dịch “giải cứu” dưa hấu |
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa mặn mà đầu tư phát triển vì tính rủi ro cao, đầu tư lớn mà lâu thu hồi vốn. Hiện các nhà khoa học đang phải “tự bơi” để tìm cách đưa những ứng dụng của mình kết nối với doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa “mặn mà”, còn nông dân thì hạn chế thông tin và ít kinh phí. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng công nghệ sau thu hoạch.
Trả lời câu hỏi, bao lâu nữa thì Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực về công nghệ sau thu hoạch, Phó cục trưởng Trần Thị Hồng Lan, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Giải quyết bài toán này không thể nhanh, vì nó vừa là vấn đề hành lang cơ chế chính sách, vừa là vấn đề vốn, thuế, còn nhiều cơ chế khác, vừa liên quan đến đầu tư mũi nhọn và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn