“Sử dụng bộ tưới tự động này, các cảm biến đo được cắm sâu xuống đất nên đo rất chính xác. Nếu tôi đặt trước độ ẩm khoảng 70 - 80% thì khi độ ẩm xuống thấp hơn, cảm biến sẽ báo về điện thoại để có hướng xử lý ngay”, ông Phi cho biết. Bởi vậy, sự phát triển của cây trồng như dưa pepino, cà chua, dâu tây trong diện tích 3.000m2 lắp đặt hệ thống tưới tự động khá tốt, nước tưới tiết kiệm và dinh dưỡng được điều chỉnh chính xác.
Các thiết bị của hệ thống điều khiển tưới tự động chính xác gồm hệ thống điều khiển trung tâm, bộ phận giám sát độ ẩm đất, bộ phận giám sát vi khí hậu nhà kính, bộ phận quan sát thời tiết, van điện, tủ điện. Các thiết bị này giúp giám sát tất cả các thông số kỹ thuật trong vườn, giúp người nông dân quản lý qua điện thoại mà không cần có mặt trực tiếp trên đồng ruộng. Đồng thời, do độ chính xác trong sử dụng nước tưới, phân bón, chi phí đầu tư cho cây trồng giảm và nhân công cũng giảm, giúp nông dân tiết kiệm và tăng thu nhập, bảo vệ môi trường.
Thương mại hoá sản phẩm “trí tuệ nhân tạo”
Với mong muốn giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung giảm đối đa chi phí sản xuất và nhân công lao động, anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung (Lấp Vò - Đồng Tháp) đã sáng chế ra hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn vô cùng thông minh được ứng dụng từ công nghệ “trí tuệ nhân tạo”.
Tham quan mô hình thử nghiệm của anh Thắng, thấy hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn này rất tiện dụng cho người dân. Như vòi phun nước trong vườn cây ăn trái được thiết kế “ẩn” dưới mặt đất, khi phun nước, vòi này sẽ tự nâng lên và trở về vị trí cũ khi làm xong nhiệm vụ. Cách làm này tạo sự thông thoáng cho khu vườn, người dân có thể đi lại phát cỏ hay thu hoạch hoa quả mà không bị ảnh hưởng.
“Để vòi phun nước có thể nằm âm dưới đất, tôi phải nghĩ nhức đầu cả năm trời mới ra ý tưởng và phải mất rất lâu để nhờ vài đơn vị thiết kế. Tương tự, thiết bị đo độ ẩm đất, thiết bị xử lý trung tâm và ứng dụng cài đặt trên điện thoại để người dân quan sát, theo dõi khu vườn cũng không biết bao lần phải sửa chữa. Đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí đầu tư cho dự án này đã trên 300 triệu đồng”, anh Thắng nói về thời gian và khó khăn khi nghiên cứu sản phẩm trên.
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng nhiều đơn vị ở ĐBSCL đã có ý ký hợp đồng mua hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng. Dự kiến đầu năm 2020, anh Thắng sẽ chính thức thành lập doanh nghiệp, tiến tới ra mắt, thương mại hoá sản phẩm Smart Viet HT - 8917.
“Tôi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nó và tích hợp nhiều tính năng. Nó làm được gần như mọi thứ theo yêu cầu, theo từng loại cây trồng đã được thiết lập trước một lần duy nhất của người sử dụng trên ứng dụng điện thoại. Nó như một con robot, chỉ khác ở chỗ là nó không di chuyển được thôi”, anh Thắng thông tin.