Theo kế hoạch mới ban hành, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 1,4 triệu lao động nông thôn (LĐNT) với nguồn kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, sẽ ưu tiên đào tạo lao động cho các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành.
Khắc phục điểm yếu
Ông có thể đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm này?
- Trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ đặt ra mục tiêu đào tạo 1,6 triệu LĐNT học nghề nông nghiệp. Kết quả đã đào tạo được hơn 1,1 triệu LĐ, đạt 75%, trong đó số người sau đào tạo có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả việc làm cũ đạt gần 900.000 người, chiếm 84%. Số lao động đào tạo cho các DN là 27.000 người. Năm 2016, cả nước đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 126.000 LĐNT, đạt 78,3% kế hoạch. Kết quả đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn này hết sức tích cực, bởi từ xưa đến nay, nông dân chỉ được bồi dưỡng khuyến nông trong vòng 5 - 7 ngày. Với thời gian đào tạo 3 tháng như hiện nay, LĐNT đã được đào tạo một cách có hệ thống, tiếp cận tốt hơn với sản xuất, đặc biệt, việc đào tạo còn chú ý đến cả kiến thức về ATTP.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề cho LĐNT bắt đầu gắn với DN. Trước kia, DN tự bỏ tiền ra đào tạo LĐ trong nông nghiệp nhưng nay Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ đào tạo LĐ trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, mía, lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho các DN. Ngoài ra, một kết quả cần phải nhìn nhận tích cực là hệ thống cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT đã được củng cố, nâng cấp trang thiết bị. Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng và ban hành 136 bộ giáo trình tương đối bài bản. Chính những kết quả này đã đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm vừa qua.
Cán bộ, nông dân tỉnh Lạng Sơn tham quan, học tập mô hình trồng nấm tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất. Ảnh: Thắng Văn |
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn mang tính hình thức, thậm chí có thực tế là “thầy về thì nghề theo thầy”?
- Lâu nay, một số địa phương vẫn có tư tưởng đào tạo cho xong việc vì lo không hoàn thành mục tiêu. Thậm chí có nhiều lãnh đạo sở NN&PTNT còn chưa cập nhật Quyết định 971/QĐ-TTg, về sửa đổi một số điều của Quyết định 1956. Do đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT vẫn còn những hạn chế, tồn tại nhất định, chưa hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2011 - 2015 và năm 2016. Việc xác định danh mục đào tạo ở một số địa phương còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành, nên hiệu quả sau học nghề không cao. Hơn nữa, nội dung chương trình, phương thức tổ chức lớp học, chính sách hỗ trợ học viên còn nhiều điểm chưa phù hợp và công tác kiểm tra, giám sát còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2017 - 2020, Bộ NN&PTNT đã có nhiều định hướng mới để khắc phục tình trạng này.
Gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Hiện nay, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT rất quan tâm. Vậy làm sao để đào tạo cho LĐNT sản xuất nông nghiệp CNC?
- Trong kế hoạch từ nay đến 2020, Bộ NN&PTNT đã xác định trước hết là ưu tiên đào tạo LĐ học các nghề nông nghiệp phục vụ chương trình tái cơ cấu ngành để sản xuất các sản phẩm chủ lực của T.Ư và địa phương. Thứ hai, đào tạo cho nông dân và công nhân nông nghiệp để sản xuất CNC. Thứ ba, đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo cho vùng nghèo khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu cụ thể sẽ thay đổi tùy theo điều kiện thực tế của từng vùng. Trước mắt lấy năm 2017 là năm xây dựng mô hình điểm về đào tạo LĐ sản xuất nông nghiệp CNC.
Việc đào tạo nghề nông nghiệp gắn với DN được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trên thực tế đã có một số tập đoàn, DN lớn có trung tâm đào tạo. Chúng tôi sẽ phối hợp với những trung tâm này, hỗ trợ kinh phí để đào tạo trực tiếp cho LĐ của chính tập đoàn, DN đó. Đối với các DN nhỏ hơn thì phải đăng ký với Bộ NN&PTNT để có định hướng cụ thể. Tuy nhiên, giai đoạn này không phải chia hết tiền cho địa phương làm ồ ạt, mà năm 2017 dự kiến sẽ dành khoảng 7 tỷ đồng để chuyên đào tạo LĐ làm nông nghiệp CNC gắn với mô hình điểm.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, theo ông, làm thế nào để xã hội hóa công tác đào tạo nghề cho LĐNT?
- Kinh phí cho đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT giai đoạn 2017 - 2020 được nâng lên hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2017, nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện đào tạo nghề khoảng 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư là 250 tỷ đồng, địa phương 145 tỷ đồng, còn lại là nguồn khác. Để xã hội hóa công tác đào tạo nghề phải lôi kéo được DN vào cuộc. Chính phủ chỉ hỗ trợ đào tạo một lần thôi vì không có ngân sách, còn lại DN phải bỏ ra. Chẳng hạn, để đào tạo nghề cho LĐ làm nông nghiệp CNC phải mất nhiều triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng, còn lại DN phải bỏ tiền ra.
Đối với Hà Nội, nên tập trung đào tạo cho LĐNT vào những nghề gì để đạt hiệu quả cao?
- Hà Nội nên tập trung đào tạo nghề gắn với phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao như lúa, rau, hoa, cây ăn quả, chăn nuôi… theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị. Đất trồng lúa của Hà Nội vẫn nhiều nhưng nếu muốn duy trì phải đi vào giống lúa có chất lượng cao vì thực tế người tiêu dùng Hà Nội vẫn phải mua gạo chất lượng cao từ các tỉnh Điện Biên, Thái Bình… Do đó, phải đào tạo cho người nông dân kỹ năng sản xuất hàng hóa, giá trị cao gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ.
Xin cảm ơn ông!
Theo định hướng đề ra trong năm 2017, vùng miền núi phía Bắc sẽ đào tạo 50% LĐ nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu, 40% đào tạo LĐ phục vụ an sinh xã hội và 10% LĐ tham gia sản xuất nông nghiệp CNC. Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ lần lượt là 60 - 20 - 20%... |