Diện tích vải sớm của Hải Dương ra hoa đạt tỷ lệ trên 90%. Ảnh: Kế Toại. |
Bên cạnh những thị trường truyền thống, vải thiều của tỉnh đang được xúc tiến, mở rộng thị trường, trong đó có Nhật Bản.
Trông trời, trông đất, trông mây
Theo đánh giá của ngành NN-PTNT tỉnh Hải Dương, thời tiết đã và đang rất thuận lợi để cây vải ra hoa, đậu quả.
Tổng diện tích vải của Hải Dương khoảng 9.750ha, chủ yếu tập trung tại huyện Thanh Hà (3.600ha) và thành phố Chí Linh (3.900ha). Các huyện còn lại trồng khoảng 2.250ha.
Nhìn lại năm 2019, thời điểm vải ra hoa, mưa lạnh, độ ẩm cao kéo dài nhiều ngày. Ngay tại “vựa” vải Thành Hà, nhiều người trồng méo mặt vì cây ra hoa nhưng không đậu quả.
Ông Lê Thái Nghiệp, Phó trưởng Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Hải Dương) cho biết, theo đánh giá, trà vải sớm đã ra hoa đạt trên 90%, cao hơn 10% so với năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ vải chính vụ ra hoa cũng đạt trên 70%, cao gấp 3 - 4 lần cùng kỳ năm ngoái.
Vị này cho biết, bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, vải ra hoa với tỷ lệ cao như năm nay, phần lớn là do điều kiện thời tiết. Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, thời tiết ổn định, nắng mưa rõ rệt. Ban ngày trời nắng, đêm lạnh khô, góp phần thúc đẩy cây vải phần hóa mầm hoa, đậu quả.
Ông Phạm Văn Phớt, người dân xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà) cho biết, trên 90% diện tích vải của gia đình đã ra hoa. Một phần trong số đó đã đậu quả, nhỏ như đầu đũa.
“Như tôi đánh giá, năm nay thời tiết rất thuận lợi để cây vải ra hoa, kết trái. Không những vậy, cây còn ít bị sâu bệnh, đỡ hẳn công chăm sóc. Chắc nhà tôi năm nay thu được trên 3 tấn vải. Mong sao, vải năm nay được mùa lại được giá, kéo lại cho năm trước”, ông Phớt chia sẻ.
Ông Phạm Văn Phớt bên vườn vải thiều đã bắt đầu đậu quả. Ảnh: Kế Toại.
Theo ước tính của Sở NN-PTNT Hải Dương, sản lượng vải quả năm 2020 sẽ đạt khoảng 45 nghìn tấn. Trong đó, vải sớm chiếm 20 nghìn tấn, vải chính vụ 25 nghìn tấn. Trong khi, năm 2019, vải thiều Hải Dương chỉ đạt sản lượng hơn 24 nghìn tấn.
Do tác động từ thời tiết, có thể vải thiều Hải Dương sẽ thu hoạch sớm hơn mọi năm. Dự kiến, từ ngày 10 - 30/5, người dân sẽ tập trung thu hoạch trà vải sớm. Riêng trà vải chính vụ, thời gian thu hoạch dự kiến sẽ nằm trong tháng 6/2020.
Đến nay, nhiều diện tích vải ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh vẫn còn hiệu lực chứng nhận VietGAP. Trong năm nay, Hải Dương dự kiến sẽ cấp mới chứng nhận này với tổng diện tích 35ha (Thanh Hà 15ha, Chí Linh 20ha).
Vươn ra thị trường mới
Ông Lê Thái Nghiệp cho biết, năm 2020, ngành NN-PTNT Hải Dương đã nhìn ra nhiều thách thức, đồng thời cũng là cơ hội cho quả vải. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều người lo ngại, việc xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
Nhiều diện tích vải thiều của Hải Dương đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ, Úc, EU. Ảnh: Kế Toại.
Tuy nhiên, theo ông Nghiệp, từ nay tới vụ thu hoạch vải, còn khoảng vài tháng nữa. Khi đó, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, hàng hóa nông sản thông thương, đây mới là cơ hội bứt phá cho việc xuất khẩu quả vải.
Theo thống kê hàng năm, lượng vải thiều Hải Dương xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm xấp xỉ 40% tổng sản lượng toàn tỉnh. Các thị trường khác như Mỹ, Úc, EU chiếm khoảng 15 - 20%, còn lại là tiêu thụ nội địa.
Lường trước cơ hội, cũng như thách thức, Hải Dương đã lên phương án mở rộng thị trường, dần giảm bớt lệ thuộc đầu ra phía Trung Quốc. Theo đó, tỉnh này dự kiến sẽ cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu Nhật Bản, diện tích dự kiến khoảng 200ha. Trong đó, chủ yếu tập trung tại huyện Thanh Hà (>150ha), thành phố Chí Linh (50ha).
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà, diện tích dự kiến cấp mã số mới này tập trung chủ yếu ở vườn vải chính vụ. Đến nay, huyện đang làm công tác rà soát, đánh giá năng lực vùng trồng để có đề xuất cụ thể lên Sở NN-PTNT Hải Dương. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sớm đưa quả vải đặt chân tới thị trường Nhật Bản theo đường chính ngạch.
watermark_vai-thieu-4-2114_20200224_784.jpg
Người dân cắt tỉa cành lộc giúp cây vải tập trung dưỡng chất nuôi hoa, quả. Ảnh: Kế Toại.
Hiện nay, đã có một doanh nghiệp phía Nam về Thanh Hà để kết nối thị trường, tìm cách xuất khẩu vải sang Nhật Bản. Ông Nghiệp cho biết, so với những quy định từ những thị trường như Mỹ, Úc, EU…, Nhật Bản có những quy định riêng. Tới đây, sau khi thống nhất, Sở NN-PTNT Hải Dương sẽ có báo cáo gửi Cục Bảo vệ thực vật, đồng thời xin hướng dẫn chi tiết về những điều kiện xuất khẩu của thị trường này.
Thời điểm này, Sở NN-PTNT đang khuyến cáo người dân cần tăng cường tưới đủ nước cho cây vải để cành hoa vươn dài, nở hoa, đậu quả thuận lợi. Người dân cũng cần thực hiện các biện pháp như phun phân bón qua lá và chất điều tiết sinh trưởng để tăng tỷ lệ đậu quả. Bón phân đầy đủ, cân đối để nuôi quả, hạn chế hiện tượng rụng quả do thiếu dinh dưỡng.
Ngoài ra, người trồng cần theo dõi, phát hiện và kịp thời phòng trừ các loại sâu, bệnh hại hoa, quả. Khi tới vụ, người dân phải thu hoạch khi đủ độ chín, tuyệt đối không bán xanh hoặc mới chín, ảnh hưởng tới sản lượng, chất lượng, giá bán và thương hiệu vải thiều Hải Dương.