Vân Hồ là huyện được chia tách từ huyện Mộc Châu, có tổng diện tích tự nhiên 97.984 ha, dân số gần 60 nghìn người, gồm sáu dân tộc anh em sinh sống. Về vị trí địa lý, Vân Hồ là huyện cửa ngõ của tỉnh, cách thành phố Sơn La 150 km, cách Thủ đô Hà Nội 170 km, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình. Mới được thành lập, dù còn khó khăn mọi bề, nhưng Ðảng bộ huyện Vân Hồ đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, tạo bứt phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Huyện có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12%/năm, thu ngân sách năm 2017 đạt 625,9 tỷ đồng, bằng gần 300% so với dự toán UBND tỉnh giao và gần đạt mục tiêu năm 2020 nêu trong nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp bình quân tăng trưởng 8%/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong hơn ba năm qua đã huy động làm mới 227 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 83,23 km. Tiến độ các chương trình, dự án lớn của huyện có những khởi động tích cực, giúp giảm nhanh và bền vững số hộ nghèo.
Ðồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Huyện ủy Vân Hồ phấn khởi cho biết: Các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra đến nay đều đạt kết quả tích cực. Trong đó, chỉ tiêu về thu hút đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt kết quả cao, đang tạo ra động lực phát triển mới.
Ðể đạt kết quả trên, Ðảng bộ huyện Vân Hồ trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành luôn kiên trì phương châm: "Ði tắt, đón đầu, chủ động và năng động". Ðồng chí Nguyễn Huy Hoàng nhớ lại: Ngày đầu thành lập, trụ sở làm việc của huyện là những căn nhà lắp ghép tạm. Ban Thường vụ Huyện ủy trăn trở tìm hướng đi, chọn cách thức tiến hành sao cho phù hợp để kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Cùng với việc học tập kinh nghiệm các huyện bạn, lãnh đạo huyện đã tham khảo ý kiến các đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ, các chuyên gia kinh tế có uy tín, đồng thời bám sát kinh nghiệm sản xuất phải gắn với thị trường, tránh sai lầm của những mô hình kinh tế duy ý chí. Huyện ủy khai thác lợi thế được Chính phủ quy hoạch địa phương nằm trong khu du lịch quốc gia đặc biệt để mở hướng phát triển; tận dụng điều kiện tự nhiên của vùng khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ, chọn đột phá vào lĩnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư.
Thực hiện mục tiêu nêu trên, huyện Vân Hồ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch đất đai… Nhờ vậy từ một huyện nghèo, Vân Hồ được coi là "hiện tượng" ở tỉnh Sơn La trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Năm 2017, huyện đã mời gọi đầu tư 14 dự án mới, nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại huyện lên 41 dự án, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản. Tập đoàn TH đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả và đồ uống công nghệ cao, với số vốn 1.200 tỷ đồng. Công ty cổ phần Si Vân Hồ (thuộc Tập đoàn IC Food của Hàn Quốc) đầu tư 1.100 tỷ đồng xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến rau quả xuất khẩu. Bắt nhịp với tiến độ xây dựng các nhà máy, Vân Hồ đang hình thành các vùng sản xuất rau, hoa quả tập trung, tạo chuyển dịch tích cực trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ Thái Bá Sinh, từ khi triển khai chủ trương của huyện, người dân đã trồng được 1.891 ha cây ăn quả; riêng năm 2017 trồng mới 700 ha với các mô hình quýt Chiềng Yên, bơ, bưởi, mận ở Vân Hồ, cam Suối Bàng, nhãn Chiềng Xuân... Từ nay đến năm 2020, huyện sẽ chuyển đổi thêm khoảng 2.100 ha đất dốc sang trồng cây ăn quả. Theo tính toán, thu nhập của người dân trước kia chỉ khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng/ha nay sẽ nâng lên gấp đôi. Với các mô hình trồng rau xuất khẩu, cây ăn quả được đầu tư tốt có thể cho thu nhập lên tới 200 đến 500 triệu đồng/ha.
Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Vân Hồ còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Theo quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã được Chính phủ phê duyệt, trung tâm khu du lịch chủ yếu thuộc địa bàn huyện Vân Hồ. Những địa danh như thác Tạt Nàng ở xã Chiềng Yên, di tích lịch sử văn hóa Hang Miếng, thuộc xã Quang Minh kết nối với đền thờ Bà chúa Thác Bờ ở Thung Nai (Hòa Bình), vùng dọc sông Ðà thuộc xã Suối Bàng nay còn lưu giữ bí mật về mộ thuyền, có cảnh sắc thiên nhiên cuốn hút, với lễ hội hoa ban, lễ hội hoa đào và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã hấp dẫn ngày càng nhiều du khách. Ðồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Xuân Hiếu cho biết, huyện đã dành khoảng 1.000 ha đất có giá trị cao để thu hút đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng. Hiện nay, huyện đang triển khai thực hiện hai đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt và bản Suối Lìn, thuộc xã Vân Hồ. Trong tương lai, thế mạnh phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp sẽ là hướng đi bền vững cho vùng đất Vân Hồ giàu tiềm năng.
Tác giả bài viết: ĐỨC TUẤN
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn