Vấn đề cử tri quan tâm: Tăng cường các giải pháp quản lý chất lượng các dịch vụ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y nhằm đảm bảo sản xuất cho nhân dân.
Thứ tư - 01/10/2014 06:10
Tại các kỳ họp của HĐND huyện khóa XVIII cũng như qua các kỳ tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh vừa qua, vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm và yêu cầu chính quyền các cấp cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đó là việc quản lý chất lượng các dịch vụ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trên địa bàn.
Đề cập đến vấn đề này, nhiều cử tri các xã vùng ngoài cho rằng, thời gian qua các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng, chưa được kiểm soát, bán tràn lan trên thị trường gây khó khăn, thiệt hại cho nhân dân. Tiếp thu ý kiến của cử tri, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, UBND huyện Kỳ Anh đã ban hành Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 03/10/2012 bàn hành quy định về quản lý chất lượng các dịch vụ vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trên địa bàn toàn huyện; Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật - Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, đánh giá các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, yêu cầu cam kết kinh doanh theo quy định. Đầu năm 2014, UBND huyện đã thành lập Đoàn liên ngành tiến hành làm việc tại 14 xã trọng điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp, tổ chức kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh; phối hợp với Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất 4 cuộc (vụ Đông Xuân 2 đợt, vụ Hè thu 2 đợt), xử phạt hành chính đối với 01 cơ sở kinh doanh vi phạm; Do đó phần nào đã tác động vào ý thức trách nhiệm của người kinh doanh, chất lượng phục vụ người sản xuất ngày càng được nâng lên. Theo phản ánh của cử tri, tại quầy bán vật tư nông nghiệp của Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh đóng trên địa bàn xã Kỳ Thọ, vừa bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vừa bán thuốc chữa bệnh cho người. Để xử lý kịp thời tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cùng với UBND xã Kỳ Thọ trực tiếp làm việc với 2 chủ hộ kinh doanh; lập biên bản yêu cầu hộ kinh doanh thuốc chữa bệnh phải chuyển địa điểm khác; ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế tổ chức kiểm tra điều kiện kinh doanh thuốc chữa bệnh cho người để có biện pháp xử lý. Tuy vậy, hiện nay trên thị trường vẫn còn vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng như ý kiến cử tri phản ánh. Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng này, phòng chuyên môn khẳng định là do: Việc kiểm tra của huyện, của xã chưa thường xuyên; Hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp mang tính thời vụ, nhỏ lẻ nên việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn; Chưa có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện đúng trách nhiệm quản lý Nhà nước được quy định tại Khoản 2 Điều 41 Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT: “UBND xã chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, quy định địa điểm thu gom bao bì thuốc sau sử dụng và xử lý các hành vi vi phạm”. Nhưng nguyên nhân đáng chú ý vẫn là: nhiều hộ dân khi sản xuất còn tùy tiện trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nên dẫn đến hạn chế hiệu quả của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Về giải pháp cho thời gian sắp tới, UBND huyện tiếp tục yêu cầu các phòng ban, đoàn thể huyện và UBND các xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp cho các hộ kinh doanh; Tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tổ chức niêm yết công khai và thông báo rộng rãi đến người dân Danh sách các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, được UBND huyện cấp giấy phép trên địa bàn. Đồng thời, duy trì công tác kiểm tra theo định kỳ, đột xuất, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định./.