Ghi ở “vựa” na Đông Triều
Việt Dân, An Sinh và Bình Khê là các xã vùng đồi núi phía Bắc, “vựa” trồng cây ăn quả lớn của Đông Triều. Đây cũng là 3 xã được chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của thị xã trẻ. Chưa có mô hình cụ thể, các xã phát triển theo đặc thù riêng địa phương trên cơ sở định hướng chung của Đông Triều. Qua tìm hiểu, được biết phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu lên khá mạnh, cùng với phát triển sản xuất, hiện nay các xã chủ yếu tập trung cho việc chỉnh trang, nâng cấp hoặc xây mới nhà văn hoá, xây dựng tuyến đường mẫu, xanh hoá hàng rào và các tuyến đường thôn.
Bên đường dẫn vào thôn Khê Thượng (xã Việt Dân), dọc chân tường rào được trồng hoa, cây cảnh trong phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. |
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xã Việt Dân, nơi nổi tiếng từ lâu với sản phẩm na dai. Vượt qua cánh đồng, đi sâu vào khu vực đồi là những vườn na nối nhau trải dài ngút tầm mắt, cành lả ra xoà trên bờ tường, quả sai đầy cành cho thấy bà con năm nay được mùa na. Đang vào vụ thu hoạch nên từ các gia đình cho đến những điểm đóng gói, bảo quản na đều nhộn nhịp; các tuyến đường bê tông hun hút chốc chốc lại có người, xe chuyên chở na. Việt Dân năm nay đăng ký xây dựng 20 vườn mẫu, chủ yếu cũng là vườn na. Các vườn mẫu được lựa chọn dựa trên 2 yếu tố chính là vườn đẹp và có giá trị kinh tế cao.
Ghé thăm vườn na của gia đình anh Nguyễn Quốc Huy, chủ một vườn na tại thôn Khê Thượng, anh cho biết, xây dựng vườn na mẫu, gia đình anh dự kiến đổ 3 đường bê tông rộng 1m trong vườn để làm đường thu hoạch và lắp hệ thống tưới tự động. Để nâng cao chất lượng na thương phẩm, gia đình áp dụng theo đúng quy trình phun tưới, sử dụng thuốc trừ sâu; đồng thời, ngâm ủ đỗ tương để tưới cho cây. Với khoảng 4.000m2 trồng na dai, vụ này gia đình anh ước thu được khoảng 5 tấn quả, trừ chi phí cho lãi trên 100 triệu đồng.
Không chỉ Việt Dân chú trọng phát triển cây na trên diện tích khoảng 200ha, An Sinh cũng xem đây là cây thế mạnh với diện tích trồng na hiện nay lên tới 700ha. Nhiều vườn na cũng được lựa chọn xây dựng thành vườn mẫu của xã. Anh Trần Quốc Hương, chủ vườn na rộng 1ha cho tổng thu nhập 400 triệu đồng/năm tại thôn Đìa Mối, xã An Sinh, thẳng thắn bảo: “Gia đình tôi trước cũng trồng nhiều loại cây kết hợp chăn nuôi nữa, giờ thì chỉ đi sâu vào cây na. Kể cả chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu không xây dựng vườn của gia đình thành vườn mẫu thì gia đình tôi cũng tự làm, vì mình làm thì mình hưởng thôi. Bây giờ từ cây giống, kỹ thuật đã khác trước nhiều, nếu quy hoạch vườn thành hàng lối, có các đường thu hoạch, hệ thống tưới tự động... thì không chỉ chăm bón, thu hoạch dễ dàng mà lợi nhuận cũng cao hơn”.
Quả thật, thăm vườn na của gia đình anh, chúng tôi thấy khác hẳn với những luống na được quy hoạch thành hàng lối. Cây na xanh mơn mởn, quả na ở đây to hơn hẳn. Anh cũng đã xây 2 đường mương dẫn nước chạy dọc, ngang trong vườn. Xung quanh vườn có những ống dẫn nước để có thể tưới trong phạm vi khoảng 20m. Theo anh chia sẻ thì từ khi đầu tư chuyên sâu vào cây na vào năm 2005 đến nay, gia đình anh đã đầu tư gần 400 triệu đồng vào vườn. Hiện nay, na của gia đình bao giờ cũng bán cao hơn 10 giá so với thị trường chung; riêng na bở đạt từ 4 đến 5 lạng/quả, giá đắt hơn 2-3 lần na dai nhưng bao giờ thương lái cũng đặt trước để mua.
Không chỉ hộ anh Huy, anh Hương mà thực tế các “triệu phú na” ở vùng này không hiếm. Phát triển mạnh vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, kết hợp giữa trồng lúa chất lượng cao, cây màu các loại và chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất đã giúp nhiều, rất nhiều hộ ở 3 xã An Sinh, Việt Dân, Bình Khê giàu lên, từ đó nâng cao cả về đời sống vật chất và tinh thần của bà con.
Đẹp nhà, đẹp ngõ, đẹp làng...
Quan sát dọc các tuyến đường chạy vào thôn Khê Thượng, xã Việt Dân, chúng tôi nhận thấy chân bờ tường của các hộ gia đình phần lớn đã trồng cây chuỗi ngọc thành hàng dài, cao khoảng 30cm. Nhiều đoạn, bà con trồng cây bóng mát rồi cây hoa cúc, mười giờ, hoa mặt trời, trâm tím trổ hoa rất đẹp. Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Đỗ Đình Thế, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Dân, chia sẻ: Các tuyến đường thôn của xã đã được san gạt mở rộng lề, mặt đường nhưng mới bê tông hoá làn đường chính, hai bên vẫn là đường đất. Vừa rồi, mưa kéo dài cả tháng nên cỏ mọc lên nhanh, có chỗ lấn cả hoa, cây cảnh bà con trồng. Sau vụ thu hoạch na, tới đây bà con sẽ dọn cỏ và tiếp tục trồng bổ sung các loại cây như chuỗi ngọc, trâm tím... là những loại cây dễ sống, xanh quanh năm và cho hoa đẹp ở các bờ tường.
Cây na dai đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều hộ gia đình các xã Việt Dân, An Sinh. |
Việc “xanh hoá” bờ rào, đường giao thông, làm đẹp khuôn viên nhà văn hoá lan rộng khắp các thôn của 3 xã. Ở xã Bình Khê, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm, bà con đã trồng hàng rào mềm tại các nhà văn hoá thôn với 1,5km cây chuỗi ngọc và 2km cây hoa tím. Còn ở An Sinh, vì vườn đất của các hộ gia đình rất rộng, chủ yếu là cây ăn quả, bờ tường được cứng hoá nên ở một số tuyến đường, xã chỉ đạo cho bà con trồng cây xanh, hoa ở chân tường rào; trồng các loại cây dây leo cho hoa đẹp, đồng thời vẫn phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Do đặc thù các tuyến mương nhỏ, ruộng sát đường, nếu trồng cây bóng mát sẽ ảnh hưởng đến cả ruộng và mương, vì vậy, các tuyến đường chính xã chỉ đạo cho trồng cây bóng mát, còn lại cho trồng cây dây leo và cây ở chân tường rào.
Cùng với đó, các xã đã cải tạo, xây mới các nhà văn hoá vốn “đuối” về diện tích, không có thiết kế, chủ yếu do người dân tự làm nay đã xuống cấp để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Như Việt Dân xây mới 2 nhà văn hoá thôn Khê Thượng và Đồng Ý theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với tỷ lệ tương ứng là 70/30, trị giá mỗi công trình trên, dưới 1 tỷ đồng. Còn An Sinh xây mới nhà văn hoá thôn Trại Lốc 2, nâng tổng số nhà văn hoá đạt chuẩn trên địa bàn lên 12/17 nhà văn hoá. Việc xây mới cũng thuận vì khuôn viên các nhà văn hoá trước đây đã được quy hoạch khá rộng rãi.
Năm nay, 3 xã Bình Khê, Việt Dân, An Sinh đăng ký xây dựng tổng số 16 thôn mẫu và 81 vườn mẫu. Thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, các xã đã tuyên truyền, vận động được 269 hộ dân hiến 41.601,5m2 đất, tháo dỡ 2.611,7m2 tường bao, chặt bỏ hơn 1.250 cây các loại, huy động hơn 600 ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn, đường giao thông, kênh mương nội đồng và xây dựng các công trình NTM, NTM kiểu mẫu trên địa bàn.
Xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn giai đoạn này, thị xã đã phân bổ kinh phí và phân cấp triệt để cho các xã chủ động, triển khai thực hiện xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu; huy động mọi nguồn lực thực hiện đạt các chỉ tiêu, tiêu chí; chú trọng ưu tiên thực hiện trước tiêu chí, chỉ tiêu cần ít kinh phí, tiêu chí huy động nguồn lực trong nhân dân là chính. Đây cũng là định hướng đúng, phù hợp trong giai đoạn hiện nay khi mà nguồn lực đầu tư từ ngân sách giảm đi. Người dân ngày càng cảm nhận rõ hơn thành quả từ các phong trào đem lại, nên sự vào cuộc của bà con rất lớn, với vai trò chủ thể trong mỗi chương trình. Điều đó được thể hiện qua những con số biết nói. Ở 12 xã còn lại trên địa bàn, theo thống kê trong 6 tháng đầu năm nay đã vận động được 2.025 hộ hiến gần 82.000m2 đất. Các xã hiện tập trung xanh hoá các tuyến đường, hàng rào, xây dựng vườn mẫu. 6 tháng qua, các xã đã trồng được tổng số 1.450 cây xanh các loại. Năm nay, các xã đăng ký xây dựng 23 thôn NTM kiểu mẫu và 69 vườn kiểu mẫu.
Dù vậy, chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn, nhất là với các xã điểm xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương, lãnh đạo các xã đều cho rằng người dân ủng hộ, cán bộ tích cực, nhưng khó nhất hiện nay là về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung theo Đề án xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ông Phạm Duy Khiêm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã An Sinh, cho hay: Đề án của xã có tổng kinh phí trên 270 tỷ đồng, trong đó kinh phí của tỉnh đề nghị khoảng 54 tỷ đồng, nhưng mức độ giải ngân chậm, nếu cứ như năm nay được 3 tỷ đồng thì chắc chắn đến năm 2019, các hạng mục khó có thể hoàn thiện được. Đây cũng là cái khó chung mà Đông Triều đề xuất, mong muốn tỉnh có giải pháp tháo gỡ sớm trong thời gian tới đây.
Tác giả bài viết: Phan Hằng
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn