Việt Nam có khá nhiều giống gà quý trên khắp các vùng lãnh thổ, có thể kể đến gà ri, gà Hồ, gà tàu vàng, gà mía, gà ác, gà tre và gà Đông Tảo. Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có diện tích chừng 520ha với hơn 7.000 nhân khẩu, nhưng có tới hàng trăm hộ và công ty gia đình chuyên nhân giống, chăn nuôi và kinh doanh giống gà này.
Gà cũng thăng trầm
Gà Đông Tảo (dân gian còn gọi là gà Đông Cảo), cũng như người anh em là giống gà Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), được cho là đã theo chân các đoàn tù binh lân bang về Việt Nam, dần dần được địa phương hóa và trở thành giống thuần chủng.
Tương truyền đây là giống gà được đặt lên hàng đầu trong danh sách của ngon vật lạ khắp năm châu bốn bể, ngày trước thường được quan lại địa phương cống nạp triều đình hoặc sử dụng trong các dịp lễ lạt, cúng tế của bà con làng xóm.
Gà có nhiều đặc điểm rất khác biệt: đầu gộc tre, mình cốc, cánh vỏ trai, đuôi nơm, mào mâm xôi, da đỏ tía hoặc vàng nhạt, thân hình to, ngực sâu, lườn rộng dài, xương to, dáng đi chậm chạp, nặng nề, lông mọc chậm. Con trống trưởng thành cân nặng khoảng 4-6kg, con mái chừng 3-4kg.
Điểm đặc biệt nhất của gà Đông Tảo là ở cặp chân thô và to, vảy da đỏ và không mọc thành hàng. Chân không có cựa, bàn chân dài và chia 4 ngón rõ nét trông giống như chân rồng huyền thoại.
Theo bô lão có nhiều năm kinh nghiệm nuôi và chăm sóc gà ở Đông Tảo, tuy cùng là giống thuần chủng, gà Đông Tảo tồn tại tới 3 dạng chân khác nhau: dòng chân đỏ vảy thịt, dòng chân vảy rồng và dòng chân sùi. Dòng gà chân vảy rồng phổ biến hơn cả và có phần nhỉnh hơn về kích thước so với dòng vảy thịt và chân sùi. Tuy nhiên, được ưa chuộng nhất vẫn là dòng gà chân đỏ vảy thịt.
Các món ăn chế biến từ chân gà Đông Tảo còn được gọi là món “vảy rồng”, xuất hiện trong thực đơn của nhiều nhà hàng đặc sản rải khắp 3 miền đất nước. Thịt gà Đông Tảo sắc thâm, da nhợt, không vàng ươm bắt mắt như giống gà ta, nhưng chắc, giòn và không dai, được rất nhiều thực khách ưa chuộng.
Một thời gian khá dài, giống gà Đông Tảo không được chú trọng bảo tồn và phát triển do đặc điểm tăng cân chậm, nuôi tốn thức ăn, mỗi lứa gà mái chỉ đẻ chừng hơn chục trứng, hiệu quả kinh tế thấp, người nông dân không muốn nuôi. Năm 1993, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển vật nuôi có gen quý hiếm – Hatthocvang Vietnam đã đưa gà Đông Tảo vào danh mục giống cây trồng và vật nuôi cần bảo tồn gien và phát triển sản xuất.
Những năm gần đây, cuộc sống dư dật hơn, người ta quan tâm nhiều hơn đến giống gà quý hiếm này. Cặp gà đạt mức giá kỷ lục đến thời điểm này là 70 triệu đồng, từng được một đại gia đất Sài Thành mua tại xã Đông Tảo.
“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Thấy gà Đông Tảo lại “lên ngôi”, người dân Đông Tảo đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và tổ chức chăn nuôi phát triển giống gà quý của địa phương. Giờ đây, khi đã có thể áp dụng công nghệ ấp trứng bằng máy, xây dựng chuồng trại với các hệ thống đèn chiếu sáng, sưởi ấm về mùa đông, quạt thổi khí thông thoáng… thì việc nuôi gà quy mô vừa và lớn phổ biến hơn bao giờ hết.
Thu nhập chính của người nuôi gà Đông Tảo là bán gà giống cho bà con quanh vùng và thương lái đến từ khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó, gà thịt thương phẩm được bán với giá dao động từ hơn 100.000 đến dưới 400.000 đồng/kg tùy thuộc thời vụ và gà trống hay mái.
Tuy nhiên, chăn nuôi theo lối truyền thống thì gà được thả rông, người nông dân chỉ cho ăn lúa, gạo, ngô và ít rau thái nhỏ, đôi khi ủ thóc nảy mầm cho gà ăn thêm. Như thế, gà thịt có chất lượng cao nhất, nhưng giá thành sản xuất sẽ đội lên, việc tiêu thụ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt đối với gà Đông Tảo thuần chủng.
Anh Thắng, chủ trại gà ở một huyện ngoại thành Hà Nội cho hay, việc một số con gà Đông Tảo bán được giá rất cao là có, nhưng không phổ biến. Những con đặc biệt, thường chủ nhà không bán mà giữ lại gây giống nên nhiều khi thương lái hoặc khách hàng kỹ tính đến trả giá chỉ mang tính thăm dò, tham khảo mà thôi.
Do yếu tố thị trường tác động lớn đến người chăn nuôi nên phổ biến hơn cả là người ta tạo giống lai để có lứa gà “từa tựa như Đông Tảo”. Nuôi nhốt, kết hợp cho ăn thức ăn truyền thống và cám công nghiệp nhằm mục đích tăng trọng nhanh. Thời gian nuôi tính từ khi mới nở đến lúc xuất chuồng chỉ vài tháng. Giá bán thịt gà giảm đi, nhưng vòng quay vốn tăng lên đem lại lợi nhuận nhiều hơn.
Anh Thắng kể, trước đây, mỗi vụ nuôi gà giáp Tết với quy mô như của anh, lợi nhuận từ số gà Đông Tảo thuần chủng chỉ khoảng vài chục triệu đồng. Nhưng từ khi anh chọn nuôi giống lai, lợi nhuận đã tăng lên cả trăm triệu đồng. Sức hấp dẫn ấy khiến cho việc chăn nuôi và phát triển gà Đông Tảo thuần chủng không hề đơn giản.
Tuy là giống quý, nhưng gà Đông Tảo đẻ trứng thưa và số lượng không nhiều như một vài giống gà khác. Đã vậy, tỷ lệ trứng nở thành công thấp, gà mẹ vụng nuôi con và gà con dễ bị nhiễm bệnh.
Ngoài chuyện chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất chuồng trại, tích lũy kiến thức và tay nghề chăn nuôi, đảm bảo tiêm phòng ngăn chặn dịch bệnh; đối với gà Đông Tảo, còn có một nguy cơ khác hiện hữu dù mơ hồ, nhưng cẩn thận cũng không thừa. Đó là chuyện thương lái (được cho là đến từ Trung Quốc) thu mua gà Đông Tảo theo kiểu tận diệt, tức là hễ có gà thuần chủng trưởng thành là họ tìm mọi cách mua bằng được cho dù phải trả giá cao và mang đi.
Mấy năm trở lại đây, một số doanh nhân tại Anh, Nhật Bản… cũng có dự định nhập khẩu loại gà này về nghiên cứu và phát triển.
Do có hàng trăm hộ nuôi gà tại địa phương và khá nhiều cơ sở chăn nuôi gà Đông Tảo khác ở nhiều nơi rải rác khắp cả nước, nên có lẽ gà Đông Tảo chưa đến mức sợ “mất giống”. Thế nhưng, việc tranh giành mua bán của thương lái làm cho người chăn nuôi cảm thấy bất ổn, tâm lý sợ bán gà bị hố luôn thường trực trong nhiều chủ trại có được những chú… siêu gà.
Năm hết Tết đến, lại là một dịp để nhiều người tìm đến Đông Tảo để chọn mua những con gà ưng ý làm quà biếu hoặc sử dụng cho gia đình mình trong bữa tiệc tất niên. Không chỉ mua được gà quý, mọi người khi đến với Đông Tảo có cơ hội để tận hưởng trọn vẹn không khí tấp nập của phiên chợ cuối năm rất điển hình của một vùng quê Bắc bộ
Giống gà quý Đông Tảo
* Vóc dáng bệ vệ, đẹp mã, thịt ngon, ngày trước thường được chọn làm lễ vật tiến vua
* Năm 1993, gà Đông Tảo được đưa vào danh mục vật nuôi cần bảo tồn gen
* Gà được nuôi thả, cho ăn lúa, gạo, ngô và rau thái nhỏ sẽ cho thịt ngon nhất
Không chỉ mua được gà quý, mọi người khi đến với Đông Tảo có cơ hội để tận hưởng trọn vẹn không khí tấp nập của phiên chợ cuối năm rất điển hình của một vùng quê Bắc bộ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn