Theo kế hoạch, lễ trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” sẽ được tổ chức vào ngày 11.10 tới. Đánh giá về sự kiện này, TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) khẳng định: Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn, góp phần tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò, vị thế của nông dân (ND) Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Thưa ông, năm nay là năm thứ 2 lễ tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” được tổ chức. Là thành viên Hội đồng bình chọn, đồng thời cũng là đại diện của Bộ NNPTNT trong Ban Tổ chức, ông đánh giá thế nào về chương trình này?
- Trước hết, phải khẳng định tôi rất đồng tình với chủ trương của T.Ư Hội NDVN khi tiến hành tổ chức bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” thường niên. Thông qua việc tuyên dương, giới thiệu những gương điển hình ND sản xuất giỏi, chúng ta sẽ góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, tạo điều kiện cho mọi ND khắp cả nước cùng tìm hiểu, trực tiếp học tập, từ đó nhân rộng những gương điển hình, kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì thế, tôi cho rằng việc phối hợp giữa T.Ư Hội NDVN và Bộ NNPTNT, mà trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong việc bình chọn, tuyên dương, phổ biến những gương điển hình này ra toàn quốc là rất thiết thực.
Đặc biệt là thông qua cuộc bình chọn này, bà con ND có thể thấy giai cấp mình được Đảng và Nhà nước tôn trọng, xã hội vinh danh và ghi nhận, cũng như sẵn sàng chia sẻ với họ những khó khăn, trở ngại trong lao động sản xuất. Bên cạnh đó, từ hoạt động giới thiệu, bình chọn của Ban Tổ chức, chúng ta có thể phát hiện, kịp thời tôn vinh và nhân rộng những gương ND điển hình tiên tiến trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; hay ND có phát minh, sáng tạo độc đáo...
Riêng về công tác tổ chức, năm nay việc bình chọn và chuẩn bị cho lễ tôn vinh đã được chuẩn bị từ khá sớm; tiêu chí xét chọn cũng đầy đủ hơn, yêu cầu cao hơn và toàn diện hơn so với lần đầu tổ chức.
Là đơn vị thường xuyên gắn bó với bà con ND, trước một chương trình có ý nghĩa như vậy, sắp tới Trung tâm Khuyến nông quốc gia có kế hoạch phối hợp với T.Ư Hội NDVN như thế nào trong việc tuyên truyền những gương mặt ND xuất sắc, thưa ông?
- Nếu chỉ tuyển chọn, tôn vinh xong rồi thôi thì ý nghĩa của việc tôn vinh cũng chỉ dừng lại ở mức độ những người tham dự. Do đó, trước hết chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ từ quá trình thu thập, giới thiệu những gương mặt điển hình, những mô hình tốt; thứ hai là sau khi bình chọn, tuyên dương, chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và giới thiệu kỹ lưỡng hơn về những kinh nghiệm, những địa chỉ điển hình này để mọi người cùng biết, từ đó bà con có thể liên hệ giao lưu, học tập lẫn nhau.
Căn cứ vào nhu cầu của bà con ND, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội ND các cấp để tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi được tiếp xúc với những gương mặt điển hình thuận lợi hơn. Ví dụ, chúng ta có thể tổ chức các buổi tham quan, tập huấn, hội thảo, diễn đàn..., trong đó giới thiệu những nhân vật được tôn vinh. Trên cơ sở đó, những gương mặt ND xuất sắc sẽ có cơ hội giới thiệu, chia sẻ kỹ hơn về kinh nghiệm sản xuất của mình.
Cũng có thể chúng tôi sẽ phối hợp với T.Ư Hội NDVN tổng hợp những gương mặt, những kinh nghiệm của ND xuất sắc thành một ấn phẩm kiểu như “Địa chỉ xanh”, “Sao Thần Nông” để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó trọng tâm là chuyên mục khuyến nông trên các báo, đài...
Hiện nay, Báo NTNN được T.Ư Hội NDVN giao định kỳ hàng năm tổ chức lễ tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, theo ông như vậy đã đủ kịp thời hay chưa?
- Theo tôi, tổ chức thường niên được là tốt nhất, nhưng nếu không có điều kiện tổ chức trên quy mô toàn quốc thì chúng ta có thể tổ chức ở từng khu vực, vùng miền. Tại những hội nghị tôn vinh theo vùng miền sẽ tạo điều kiện cho nhiều ND cùng đến dự, sau khi tôn vinh tại vùng, miền thì có thể 2 năm/lần, ta tổ chức lễ tôn vinh toàn quốc.
Chiếm tới 70% dân số, ND Việt Nam ngày càng có nhiều thành tích đáng nể, đã có nhiều ND mang dáng dấp trí thức. Chúng ta cần làm gì để ngày càng có nhiều ND xuất sắc như vậy?
- Theo tôi, việc chúng ta tổ chức một sân chơi cho ND như thế này là một cách làm hay và có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích ND cùng nhau thi đua đẩy mạnh sản xuất, thúc giục họ phải nhanh chóng đổi mới sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy, làm nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn quá vất vả và nhiều rủi ro, khiến thu nhập của đại bộ phận ND còn thấp, người ND dễ bị tổn thương.
Do đó, chỉ tri ân ND xuất sắc thôi thì không đủ, mà chúng ta cần có sự chia sẻ, hỗ trợ bà con từ khâu đầu vào của sản xuất, cho tới đầu ra của nông sản. Mà muốn làm được điều này phải có sự vào cuộc của Nhà nước, các ban, ngành. Trong đó, việc đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng kiến thức cho ND là một hướng đi đúng để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thường xuyên được tiếp cận, bổ sung những tri thức, kinh nghiệm, phương pháp làm ăn mới. Có hiểu biết và kiến thức, người ND sẽ dần thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển từ làm ăn manh mún, lạc hậu sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng nông sản theo yêu cầu của thị trường, đồng thời biết cách chủ động điều tiết sản xuất để hạn chế rủi ro...
Xin cảm ơn ông!