Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm các gian trưng bày vật liệu xây dựng. Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính, trong đó xi măng, kính xây dựng và gạch ceramic đứng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cũ kỹ, lạc hậu đã và đang được thay thế bằng công nghệ tiên tiến hiện đại trên hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi sâu sắc bộ mặt của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, giúp ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.
Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clinker sản xuất trong nước và đã xuất khẩu clinker và xi măng ra nước ngoài tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Cả nước có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 98,56 triệu tấn/năm. Nước ta hiện đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clinker nhiều nhất thế giới. Các sản phẩm xi măng của Việt Nam tương đối đa dạng.
Sản lượng sản xuất gạch ốp lát các loại (gạch ceramic, granite, cotto) hiện vào khoảng 540 triệu m2/năm, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất.
Đối với đá ốp lát tự nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã áp dụng công nghệ khai thác hiện đại, hạn chế tối đa việc nổ mìn ảnh hưởng tới môi trường và an toàn lao động.
Đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 14,7 triệu sản phẩm/năm, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tổng công suất sản xuất kính phẳng xây dựng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2 quy tiêu chuẩn (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 quy tiêu chuẩn.
Hiện tại, có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 182 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm. Như vậy, khi các dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6.680 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm.
Tại một số địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như: Bắc Ninh, Bình Dương, TPHCM… qua đó, khuyến khích phát triển sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây không nung với công suất đạt khoảng 7 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, sản xuất đạt 6,5 tỷ viên.
Thảo luận tại hội nghị, các ý kiến đóng góp cho rằng, sản xuất vật liệu xây dựng truyền thống hiện nay tại nước ta tiêu tốn nguồn nguyên liệu, năng lượng lớn và góp phần gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc nghiên cứu cải tiến công nghệ sản xuất và phát triển các loại vật liệu xây dựng giảm tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, thân thiện môi trường là điều cấp thiết hiện nay.
Kết luận hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công nghệ như sản xuất xi măng tiết kiệm năng lượng; sản xuất kính tiết kiệm năng lượng sử dụng trong tòa nhà; các chất phủ chống bám bẩn trên các vách dựng kính, vật liệu ốp lát trên các công trình; cải tiến công nghệ giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất kính và gạch gốm ốp lát và sứ vệ sinh; sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung trong xây dựng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; sử dụng tối đa các loại chất thải của các ngành công nghiệp để sản xuất vật liệu xây dựng...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn