“Chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã và đang tạo “cú hích” lớn với nông nghiệp.
Việc Chính phủ công bố gói tín dụng 100.000 tỷ đồng với lãi suất phù hợp, thấp hơn từ 0,5- 1,5% so với lãi suất thị trường sẽ thay đổi bộ mặt nông nghiệp”, Giáo sư Mại đánh giá.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa khi nào nông nghiệp được người đứng đầu Chính phủ quan tâm như lúc này. Trong những chuyến công tác làm việc với các địa phương như Hà Nam, Hải Phòng, Cà Mau… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn dành thời gian trực tiếp khảo sát mô hình nông nghiệp và có chỉ đạo sát sao với từng địa phương.
Sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ không chỉ qua cơ chế chính sách mà còn qua chuyến thực tế đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Mặt khác việc có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tầu về ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp như Vinamilk, TH Truemilk, Tập đoàn Vingroup... khiến lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng trở nên hấp dẫn.
Hướng đến nông nghiệp du lịch
Ở góc nhìn đầu tư, Giáo sư Nguyễn Mại cho biết đầu tư nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu đồng thời cũng có không ít rủi ro.
“Vì vậy bên cạnh chính sách ưu đãi của Chính phủ, để nông nghiệp phát triển đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp”, Giáo sư Mại cho biết.
Để tạo sức hút với doanh nghiệp, Giáo sư Mại cho rằng doanh nghiệp phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang - ảnh Báo Điện tử Dân Sinh. |
Cụ thể các địa phương phải tạo điều kiện về thủ tục pháp lý với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tránh việc doanh nghiệp phải đi lại xin phép nhiều lần.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải giải quyết khó khăn về mặt bằng đất cho doanh nghiệp, tránh việc người dân kiện tụng vì vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay đầu tư gây ô nhiễm môi trường.
“Muốn giải quyết vấn đề này phải để lợi ích người nông dân gắn với lợi ích doanh nghiệp. Theo đó mô hình hướng đến kết hợp doanh nghiệp có vốn có khoa học kỹ thuật với người dân có đất. Đồng thời phải làm thế nào để người dân hiểu khi hợp tác đời sống người nông dân nâng lên”, Giáo sư Mại cho biết.
Khi dự án nông nghiệp được thực hiện, vai trò quan trọng của chính quyền địa phương là hỗ trợ, tạo điều kiện thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp hình thành kênh phân phối tại địa phương cũng như hướng đến thị trường ngoài.
Theo ông Mại, vai trò chính quyền địa phương hết sức quan trọng. Cơ chế chính sách Chính phủ đưa ra có thông thoáng tạo điều kiện bao nhiêu nhưng địa phương gò bó, dập khuôn không linh động rất khó thu hút đầu tư nông nghiệp.
Trong các dự án nông nghiệp hữu cơ, theo Giáo sư Nguyễn Mại không nên chỉ tính đến việc thu lợi nhuận từ sản phẩm nông nghiệp. Thay vào đó nên kết hợp dự án nông nghiệp sạch với du lịch.
Lễ hội hoa hướng dương năm 2016 tại cánh đồng hoa hướng dương trong trang trại bò sữa TH - ảnh Báo Nghệ An. |
Nêu dẫn chứng, Giáo sư Mại cho biết, tại dự án sữa sạch của Tập đoàn TH vào dịp cuối năm khi hoa hướng dương nở rộ nhiều người tìm lên vùng Nghĩa Đàn (Nghệ An) ngắm hoa, chụp ảnh. Dần dần trở thành lễ hội hoa hướng dương, nếu kết hợp và tổ chức tốt hoàn toàn có thể kết hợp nông nghiệp hữu cơ với du lịch.
Hay như tại Đà Lạt hiện nay rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang đầu tư dự án nông nghiệp tại đây, nếu kết hợp tổ chức hoàn toàn có thể xây dựng gắn giữa du lịch với nông nghiệp sạch thông qua lễ hội hoa, lễ hội cây cảnh, lễ hội bán giới thiệu thực phẩm sạch.
“Dự án nông nghiệp không có nghĩa chỉ nghĩ đến thu hoạch sản phẩm nông nghiệp mà còn có thể kết hợp quảng bá du lịch, quảng bá văn hóa vùng miền”, Giáo sư Mại nói.
Mai Anh/ Báo Giáo dục