Trước đây khoai mỡ được trồng với diện tích nhỏ lẻ, không tập trung nhưng giờ đây được nông dân xã Long Mỹ và Mỹ An xem đây là cây chủ lực. Năm 2019 có trên 90,7 ha đất ruộng được trồng loại khoai này.
Phong trào trồng khoai mỡ phát triển bắt đầu từ mô hình trồng khoai mỡ theo tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long thực hiện từ năm 2015 tại xã Long Mỹ với diện tích khoảng 30 ha, 66 hộ nông dân tham gia.
Nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng cây khoai mỡ theo VietGAP. |
Thực hiện mô hình, bà con nông dân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, vì vậy chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các hộ cũng liên kết với nhau để cung cấp ra thị trường số lượng lớn, từ đó giá cả cũng cao hơn , thu nhập của người dân được cải thiện hơn.
Tự sự thành công của mô hình, phong trào trồng khoai mỡ lan rộng trong toàn xã. Anh Trần Văn An ở ấp Long Phước, xã Long Mỹ có nhiều kinh nghiệm trồng khoai mỡ cho biết: “Vụ khoai mỡ bắt đầu xuống giống khi thu hoạch lúa Đông Xuân. Để giảm chi phí hạ giá thành sản xuất cần áp dụng đúng qui trình kỹ thuật mà các nhà chuyên môn khuyến cáo.
Khi tưới khoai cần tưới vừa đủ nước tránh gây ngập úng sẽ gây tác hại rễ khoai, đồng thời chú ý bảo đảm nguồn dinh dưỡng bón phân định kỳ, phòng ngừa những bệnh thường gặp như mục đầu củ, thối củ… sẽ giúp khoai mỡ tạo củ tốt, không phát sinh thêm chi phí.
Chi phí qua các khâu làm đất, lên liếp, bón phân khoảng 8,5 triệu đồng/công. Sau 6 tháng trồng, tôi thu hoạch với năng suất 3 tấn/công. Giá bán tại thời điểm hiện tại 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được 9,5 triệu đồng/công”.
Cũng như các hình thức luân canh lúa màu nói chung, biện pháp luân canh lúa - khoai mỡ trên đất ruộng cũng là kỹ thuật canh tác có nhiều ưu điểm như góp phần ngăn chặn các đối tượng dịch hại trên ruộng lúa lây lan từ vụ này sang vụ khác, đồng thời tái tạo độ phì nhiêu cho đất.
Song điều quan trọng hơn hết vẫn là hiệu quả kinh tế vượt trội của nó đã khẳng định sản xuất một vụ khoai mỡ thay cho vụ lúa Hè Thu hoặc Thu Đông sẽ có cho lợi nhuận cao gấp 2 lần so với canh tác 3 vụ lúa trên cùng diện tích.
Cũng từ những hiệu quả trên, cánh đồng khoai mỡ ở huyện Mang Thít tiếp tục được bà con duy trì và ngày càng có xu hướng phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn