Ngày càng… “điên”
Đầu thập kỷ 90, chàng trai Nguyễn Quang Vinh chưa đầy 40 tuổi nhưng quyết tâm từ bỏ con đường công chức để về làm trang trại. “Ngày ấy, mô hình kinh tế trang trại Sơn La chưa phát triển nên khi người ta thấy tôi mua đất lập nghiệp ở mãi trong bản sâu của xã Nà Bó thì ai cũng bảo là dở hơi, có người khẳng định như đinh đóng cột: Điên! Thằng Vinh điên thật rồi. Làm cán bộ không muốn lại chui rúc vô nơi khỉ ho cò gáy làm nông dân…”.
Ông Vinh với vườn thanh long ruột đỏ cho thu nhập tiền tỷ. Ảnh: K.T
Học và làm theo ông Vinh, năm 2016 cả xã Nà Bó đã có 13 hộ mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất cây ngắn ngày sang trồng thanh long với tổng diện tích gần 6 ha. Thanh long ra quả đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Ông Vinh đang bàn với bà con mở rộng diện tích lên khoảng 50ha trong thời gian tới.
|
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại rộng 3ha với những gốc nhãn ghép, ông Vinh kể: “Thời điểm đó cây ngô lai đang phát triển ở Sơn La và rất có giá nên khi thấy tôi từ bỏ cây ngô để phát triển cây cà phê, ngay cả vợ con cũng lắc đầu ngao ngán. Nhưng ai ngán thì ngán, tôi cứ làm. Thế rồi sau mấy năm đầu tư, tôi cũng có một trang trại cà phê thành công nhất ở đất Sơn La. Được mấy năm thì cà phê “dính” sương muối, tôi lại từ bỏ cà phê, trồng nhãn, xoài, ổi, bưởi… Mỗi năm từ vườn cây trái này, tôi thu ngót tỷ bạc đấy”.
Thành công của ông Vinh được nhiều người học tập và làm theo. Nhưng người ta chỉ làm theo mô hình chứ không ai dám áp dụng cách làm việc của ông. Ông Đào Văn Thắng – chủ trang trại vườn cây ăn quả ở tiểu khu 7, xã Nà Bó thổ lộ: “Ông Vinh làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Từ một anh cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy, chỉ sau nửa năm về đây đã thành một nông dân chính cống. Ông Vinh đã thật sự trở thành “thầy giáo” của người làm vườn địa phương. Rồi người ta thật sự nghĩ ông ấy điên nặng hơn khi ra ngoài tiểu khu 7, xã Nà Bó mua đất trồng thanh long vào năm 2011 và thất bại sau 2 năm đầu tư…”.
Nói về sự thất bại ấy, ông Vinh bảo: “Giống thanh long ngày ấy chưa tốt nên năm 2013 tôi phải phá bỏ. Nhưng cũng chính từ thất bại ấy tôi càng quyết tâm phát triển cây thanh long bởi thấy thị trường loại trái cây này ở Sơn La cũng như các tỉnh phía Bắc rất lớn…”.
Thành công cho người ham học hỏi
Sau thất bại với cây thanh long, ông Vinh tiếp tục tìm kiếm, học hỏi và liên kết với các nhà khoa học và tìm ra giống thanh long mới cho năng suất cao hơn, màu sắc đẹp hơn, thời gian cho quả dài hơn. “Chỉ sau 1 năm trồng, tôi đã có thu hoạch. Giống thanh long này cho thu tới 10 lứa quả/năm và có thể điều chỉnh để cây cho quả sớm hơn hoặc muộn hơn nên giá trị kinh tế rất cao. Nếu chăm sóc tốt, năng suất đạt tới 35-40 tấn quả/năm. Trừ chi phí đầu tư, mỗi ha có thể cho lãi tới 700 – 800 triệu đồng”.
Đi giữa những hàng cột thanh long với những chùm hoa, quả đan xen nhau rất bắt mắt, ông Vinh càng say kể chuyện làm ăn: “Khu đất này vốn là nương ngô với năng suất đạt hơn 10 tấn/ha. Nhưng trồng thanh long, 2 năm nay tôi đã làm cho thu nhập từ mảnh đất này tăng gấp 10 lần so với trồng ngô. Với 1,4ha trồng hơn 1.300 gốc thanh long ruột đỏ này, ước tính năm nay tôi thu ngót 1 tỷ đồng đấy. Trồng ngô giỏi lắm chỉ được 1/10 của 1 tỷ đồng” – ông Vinh bày tỏ.
Tác giả bài viết: Kiều Thiện
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn