Nếu không tách bạch vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương và địa phương đối với các dự án nông nghiệp “thuần túy” theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, tín dụng cho nông nghiệp hiện tại trong nền kinh tế đã từng bước được cải thiện.
Lý do sửa Nghị định 210
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Nghị định 210 nhằm thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, trong năm 2017 tổng số ngân sách trung ương dự kiến hỗ trợ là 379,5 tỷ đồng cho 23 địa phương, thực hiện triển khai 64 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư là 6.400 tỷ đồng. Các dự án đang được triển khai tích cực và sẽ tạo thêm nhiều việc làm, giá trị sản xuất tại các địa phương. Gỗ, thủy sản, nông sản và chăn nuôi là các ngành có dự án được hỗ trợ tối đa theo kế hoạch.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 210 xuất hiện nhiều rào cản: Thủ tục hành chính chưa thực sự hỗ trợ DN dẫn đến triển khai chậm, quy định ưu đãi đất đai chưa thực sự “ưu đãi”, nguồn vốn hỗ trợ hạn chế, quy mô hỗ trợ thấp,…
Đáng chú ý trong đó, quy định ưu đãi đất đai trong Nghị định 210 vẫn có “độ vênh” so với Luật đất đai năm 2013: Hiện Luật Đất đai 2013 mới chỉ quy định việc giao đất nông nghiệp cho đối tượng hộ gia đình, còn đối với tổ chức kinh tế thì mới chỉ có hình thức thuê hàng năm hoặc lâu năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá quy định này đã dẫn đến những vướng mắc trong tích tụ đất nông nghiệp hiện nay; đất nông nghiệp chưa thực sự là hàng hóa và có giá trị thấp.
Mặt khác, đất nông nghiệp (có giá trị giá trị thấp hơn đất ở) lại có quy định về thời hạn sử dụng tối đa 50 năm và hạn mức diện tích sử dụng. Đây được xem là bất cập và phân biệt chính sách giữa hai loại đất trên, dẫn đến nhiều cản trở đối với việc tích tụ đất nông nghiệp, gây khó khăn cho DN khi cần diện tích đất lớn để đầu tư dự án nông nghiệp.
Phát triển “cánh đồng mẫu nhỏ”
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, dư nợ cho vay trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 chỉ khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong khi tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng vào nông nghiệp công nghệ cao đã hơn 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 27.000 tỷ đồng, chưa bao gồm vốn vay cho nông nghiệp sạch. Như vậy, trong chưa đầy nửa năm, dư nợ cho ngành nông nghiệp đã tăng 8,7 lần. Đây là một bước đột phá lớn với sự hậu thuẫn của các Nghị định “mở cửa” cho các DN, nông dân được vay tín dụng mà không cần tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều DN, việc áp dụng các chính sách dành cho đối tượng vay đầu tư phát triển nông nghiệp ở các TCTD vẫn đang tùy thuộc vào chính sách của từng tổ chức. DN làm nông nghiệp quy mô lớn vẫn rất dễ được tiếp cận tín dụng so với các DN quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ.
Một Cty trồng rau quả sạch xuất khẩu ở Đà Lạt muốn vay vốn đầu tư kinh doanh mở rộng xuất khẩu cũng khó đầu tư trực tiếp vùng trồng rau do tư duy hạn điền lấn áp khả năng phát triển trang trại, khâu chờ bàn giao đất mất rất nhiều thời gian, muốn mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ thì bị “kẹt” ở khâu thẩm định dự án đầu tư.
ThS. Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, nền kinh tế đã có những tín hiệu tích cực trong mục tiêu đưa DN về với nông nghiệp, được chứng minh bằng sự hiện diện của các tập đoàn phi nông nghiệp như: Vingroup, Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Trường Hải, PAN, Masan,... Các DN này đã tạo được hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm nhiều NĐT, DN nhỏ làm vệ tinh của mình nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất-kinh doanh sản phẩm. Cùng với đó, các DN khác quy mô lớn hoạt động lâu năm cũng đóng vai trò trung tâm trong tiếp cận ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu. Do đó, sự thay đổi, điều chỉnh của những chính sách còn bất cập như Nghị định 210, giúp chính sách tích tụ đất, nới hạn điền và tiếp cận tín dụng trong nông nghiệp trở nên thông thoáng hơn, là tất yếu.
Dù vậy, cần lưu ý rằng, có nên áp dụng dồn điền đổi thừa đại trà hay không? Và có nên có những quy định cụ thể dưới dạng Nghị định trong tương lai về ưu tiên tín dụng dành cho DN nông nghiệp nhỏ theo hướng hỗ trợ tối đa cho những DN nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng giá trị gia tăng lớn?
“Trong một nền kinh tế hướng nông nghiệp công nghệ cao với các “cánh đồng mẫu lớn”, nên chăng cũng tạo điểm tựa cho mọi “cánh đồng mẫu nhỏ” tự tạo chuỗi cung ứng, xác lập giá trị của riêng mình. Điều đó mới thực sự phù hợp thực tiễn của nông nghiệp Việt Nam, phù hợp đặc thù lao động nhân lực chiếm tỷ lệ cao trong nông nghiệp, đất đai còn manh mún. Do đó, cần phát triển các mô hình làm nông nghiệp kiểu “đo ni đóng giày” cho nhu cầu thực phẩm “ngách” chất lượng cao”, một chuyên gia nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn