Anh Nguyễn Hữu Tuấn rời miền quê Hà Tĩnh đầy nắng gió vào lập nghiệp trên vùng quê mới Lạc Xuân, Đơn Dương hơn 20 năm nay. Và cũng từng ấy năm, gia đình anh gắn bó với cây rau màu tại địa phương. Chính những ruộng rau đã đem đến cho gia đình anh thu nhập, ổn định cuộc sống. Thế nhưng, với khát khao vươn lên làm giàu chính đáng, anh đã không ngừng tìm tòi học hỏi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với mong muốn nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Sau một thời gian tham quan học tập ở nhiều nơi, thấy con bò sữa đang “lên ngôi” và giúp cho nhiều hộ dân “đổi đời” trở thành tỷ phú, anh đã quyết định chuyển từ trồng rau sang nuôi bò sữa. Sau khi tìm hiểu, tích lũy được ít kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cuối năm 2013, anh đã huy động nguồn vốn của gia đình và vay thêm ngân hàng để đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mua bò giống về nuôi.
Trên diện tích gần 8ha đất trồng rau của gia đình, anh đã chuyển sang trồng cỏ, trồng bắp và xây dựng trang trại nuôi bò. Riêng hệ thống chuồng trại anh đầu tư xây dựng rất quy mô bài bản, sạch sẽ, thoáng mát để bò khỏe mạnh và cho sản lượng sữa cao. Ngoài ra, anh cũng đã xây dựng một khu chế biến, dự trữ thức ăn cho bò. Trong đó, anh cũng đã xây những hầm ủ chua cây bắp để nâng cao chất lượng thức ăn cho bò.
Hiện nay, đàn bò sữa của gia đình anh Tuấn mới chỉ một số ít con cho sữa, còn lại đang mang bầu và cho sữa trong thời gian tới. Được biết, 1 con bò sữa trung bình cho khoảng 20- 25 lít sữa mỗi ngày. Với giá sữa các công ty thu mua hiện nay, bình quân khoảng 14- 15 ngàn đồng/1 lít thì mỗi con bò cho gia đình anh thu nhập hơn 300 ngàn đồng mỗi ngày. Trong thời gian tới, khi 102 con bò đều cho sữa thì gia đình anh có thu nhập hơn 30 triệu đồng mỗi ngày.
Nhìn những đàn bò đang mang bầu và sẽ cho sữa trong thời gian tới, niềm vui và niềm hi vọng đang dâng tràn trong anh Nguyễn Hữu Tuấn. Anh chia sẻ: “Nếu gắn bó với vườn rau thì gia đình mình cũng có thu nhập ổn định. Tuy nhiên mình không muốn dừng lại ở đó mà muốn nâng cao đời sống kinh tế gia đình bằng con bò sữa. Nuôi bò sữa mới đầu cũng nhiều khó khăn vất vả nhưng nếu thuận lợi thì cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng rau trước đây”.
Với quy mô trang trại của anh Nguyễn Hữu Tuấn là mô hình chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình lớn nhất tỉnh. Trang trại bò sữa của gia đình anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài những công nhân lao động phổ thông thì anh Nguyễn Hữu Tuấn cũng đã thuê thú y riêng để chăm sóc cho đàn bò của mình. Riêng bản thân anh cũng đã xuống tận Bình Dương học tập một khóa thú y để có kiến thức chăm sóc cho bò. Hiện nay, trong các khâu chăm sóc, phối giống, khám bệnh, tiêm chích cho bò khi bị bệnh thì công nhân của anh đã tự túc làm được hết.
Tuy đã có một mô hình trang trại chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình lớn nhất tỉnh nhưng với niềm đam mê và quyết tâm làm giàu với con bò sữa nên ông chủ trẻ Nguyễn Hữu Tuấn vẫn không dừng lại ở đó. Thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nhân giống và phát triển đàn bò. Hiện nay anh Tuấn đang đặt ra chỉ tiêu từ nay đến cuối năm trang trại của gia đình anh sẽ phát triển thêm 50 con bò sữa nữa. Ngoài ra anh còn có ý định sản xuất giống bò sữa để cung cấp cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Lạc Xuân có hơn 147 con bò sữa. Trong đó, riêng gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn đã có 102 con. Đây là một hình chăn nuôi được đầu tư rất quy mô bài bản. Thời gia qua chúng tôi cũng đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa cho các hộ dân tham gia. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Tuấn để xem xét, nhân rộng cho người dân địa phương, từ đó để họ áp dụng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi thành công”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn