Mô hình thâm canh lúa tôm mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân (ảnh minh hoạ IT)
Ông Trịnh Văn Lạng, Giám đốc hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú cho biết, hợp tác xã có 82 thành viên với số vốn điều lệ là 300 triệu đồng, diện tích sản xuất lúa tôm là 106ha. Dự kiến, sản lượng lúa sản xuất giai đoạn 2017 - 2021 mỗi vụ khoảng 530 tấn và sản lượng tôm nuôi kết hợp trong diện tích lúa ước mỗi vụ khoảng 12 tấn. Xã An Nhơn có khoảng 1.000ha diện tích trồng lúa tôm.
Tháng 9.2016, Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể lúa sạch Thạnh Phú cho 17 hộ dân thuộc tổ hợp tác lúa sạch Thạnh Phú, xã An Nhơn. Niên vụ lúa 2016 - 2017, diện tích xuống giống trong vùng tôm – lúa của toàn huyện Thạnh Phú là 6.000 ha; năng suất bình quân 4,5tấn/ha, sản lượng trên 27.000 tấn, được các công ty lương thực, doanh nghiệp, thương lái các nơi đến thu mua với giá từ 6.500 - 7.500 đồng/kg đã đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Nhiều nhất là lúa OM 4900, OM 6162, OM5451, nàng hoa 9, Đài thơm 8… ở các xã An Nhơn và An Điền Mỹ An, An Qui, Thạnh Phong. Tại buổi hội nghị, Công ty Lio Thái và Công ty Lương thực tỉnh Bến Tre cam kết bao tiêu sản phẩm lúa sạch cho hợp tác xã lúa tôm Thạnh Phú. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Công ty Lương thực tỉnh Bến Tre cam kết, Công ty sẽ bao tiêu sản phẩm lúa sạch của hợp tác xã theo đơn hàng của các doanh nghiệp.
Tháng 4.2017, đại diện Công ty sẽ đến huyện Thạnh Phú mời gọi các ngân hàng và các nhà cung cấp giống, phân cùng tham gia chuỗi liên kết. Phương châm tạo chuỗi liên kết đảm bảo có nguồn vốn cho thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất nhằm tạo nên chuỗi liên kết bền vững. Ông Thiện cũng cho biết thêm tháng 9.2017, Công ty sẽ tiến hành đặt liên kết thu mua tôm, cá, cua sống sạch (nuôi kết hợp trong diện tích lúa) của hợp tác xã để tiêu thụ quanh năm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn