Tiếp chúng tôi trong vườn táo tươi tốt đang ở giai đoạn thu hoạch, ông Nguyễn Thành Chung (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ông phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi có thâm niên làm táo được 6 năm nay. Tuy nhiên, thời gian đầu tôi làm theo cách truyền thống nên cứ đến giai đoạn thu hoạch táo hư hỏng nhiều, những trái hỏng này đành phải hái cho dê, cừu ăn. Kể từ khi áp dụng mô hình mắc màn cho táo đã hạn chế được rùi đục trái 98% và giá cả bán ra tăng lên”.
Nghề trồng táo trong màn đã phát triển mạnh trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước
Ông Chung cho biết thêm: “Gia đình tôi trồng được 2 sào táo, năng suất hiện đạt 4 tấn trái/sào/vụ. Với giá bán hiện tại 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi gần 70 triệu đồng/sào/vụ. Nhờ tôi mắc màn cho vườn táo nên trái bán được giá cao và thương lái đến mua nườm nượp và khen ngợi vườn táo của tôi. Nếu như trước đây bán ra chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng/kg, thì hiện nay giá 18.000 đồng, tăng 8.000 đồng/kg. Mắc màn cho vườn táo có nhiều ưu điểm như: giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, trái táo căng tròn và màu sắc đẹp, táo không bị móp méo so với trước đây và đặc biệt cho thu nhập khá cao”.
Các hộ trồng táo tại địa phương cho hay, chi phí lắp đặt màn dao động từ 12 – 20 triệu đồng/sào táo (tùy theo loại) và tuổi thọ màn có thể kéo dài từ 3- 6 năm. Việc sử dụng màn ngoài hạn chế côn trùng gây hại còn giúp giảm bớt ánh sáng của mặt trời và người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn trong tiêu thụ sản phẩm táo.
Nhờ mắc màn cho vườn táo đã giúp gia đình ông Nguyễn Thành Chung tăng thu nhập
Ông Bùi Đăng Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, cây táo đang được xem là một trong những cây có giá trị kinh tế cao của địa phương. Trước đây, diện tích táo trên địa bàn khoảng 60ha thì hiện nay nhân rộng được 120ha. Trong đó, có 90ha người dân áp dụng phương pháp mắc màn. Nhờ mắc màn mà thu nhập của các hộ trồng táo nơi đây đã tăng lên đáng kể.
Mô hình làm táo mắc màn được nhiều hộ nông dân trên địa bàn áp dụng
Theo ông Dũng, mắc màn cho táo năng suất luôn luôn vượt trội đạt khoảng 98%, đáng kể nhất là giảm được tình trạng ruồi đục trái, giảm công chăm sóc và giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình này đã thật sự khẳng định hiệu quả, góp phần giúp nông dân vùng nông thôn vươn lên làm giàu. Trung bình nông dân địa phương sản xuất khoảng 2 vụ/năm, ngoài sử dụng trái táo người dân tận dụng lá táo để làm thức ăn cho dê, cừu.
Các thương lái đang bao tiêu táo của nông dân.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn