Đó là cách gọi thân quen xen lẫn ngưỡng mộ của người dân đối với những ông chủ dám mạnh dạn đi đầu phát triển trang trại chăn nuôi ở vùng trũng Phú Xuyên.
Không để lãng phí tài nguyên
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất chiêm trũng thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, ngay từ bé ông Tạ Đình Căn đã sớm ấp ủ mơ ước làm giàu trên mảnh đất vùng trũng vốn nhiều khó khăn. Sau bao mồ hôi, công sức cùng những nỗ lực, hiện khu trang trại 5ha của ông đã được xây dựng quy mô, bài bản, tách biệt hẳn khu dân cư.
Ông Tạ Đình Căn bên đàn lợn mới nhập về trang trại của mình. |
Nhớ lại năm 2003, ông mạnh dạn đấu thầu vùng đất trũng để phát triển mô hình trang trại. Với tư duy dám nghĩ, dám làm, tích cực huy động nguồn vốn, qua đó ông đã xây 6 khu chuồng trại rộng 6.000m2 và lúc nào cũng có 4.000 con lợn siêu nạc trong chuồng theo quy trình khép kín, đảm bảo kỹ thuật, hạn chế rủi ro. Để ổn định chăn nuôi, ông Căn chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất cùng Công ty CP Phát triển nông thôn. Qua đó, công ty đã cung ứng giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm. Ngoài nuôi lợn, ông Căn còn xây dựng 1.500m2 nhà xưởng trồng nấm với khoảng 10 vạn bịch nấm mỗi năm, cung cấp cho thị trường 20 tấn nấm các loại.
Đến xã Chuyên Mỹ tham quan mô hình trang trại của ông chủ Dương Văn Tĩnh, thôn Đồng Vinh. Trang trại 5ha hiện có khu vực ao thả cá, khu chăn nuôi lợn, gà, vịt. Anh Tĩnh tâm sự: "Chăn nuôi bây giờ ngày càng khó khăn về giá cả, thiên tai, dịch bệnh, chỉ lơ là, chẳng may xảy ra sự cố thì năm đó cầm hòa hoặc lỗ là chắc. Nhưng chỉ cần thường ngày hòa mình vào trang trại và chịu khó cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi là ông trời cũng chẳng phụ công. Chỉ tính riêng năm 2017, tôi thu hoạch được 40 tấn cá, bán cũng được hơn 2 tỉ đồng". Liền kề với nhà anh Tĩnh, trang trại của anh Dương Thanh Hiếu với khoảng 3ha cũng làm mô hình trang trại tổng hợp cho thu hàng tỉ đồng mỗi năm.
Một điều nhận thấy, những tỉ phú trang trại ở vùng trũng Phú Xuyên đều có chung tâm sự, ngày đầu khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất là cơ chế trong phê duyệt dự án, quy định cho thuê đất lâu năm. Còn đến nay, khi bước đầu thành công thì điểm hạn chế lớn nhất là điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, đưa khoa học kỹ thuật vào trang trại.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi cho biết, để nhân rộng mô hình trang trại trên vùng chiêm trũng, từ năm 2005 đến nay, khi các địa phương bắt đầu dồn điền đổi thửa, để tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. UBND huyện đã xây dựng thành công một số mô hình, dự án trồng trọt, chăn nuôi thủy sản. Đến nay gần 2.500ha đất vùng trũng đã được chuyển đổi sang các mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản, lúa, cá, vịt, cây rau màu. Nhiều mô hình mới được các hộ áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng măng tây, rau cần cho thu nhập cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành chia sẻ, khi mới thực hiện, lãnh đạo và cán bộ rất lo vì khi đưa ra đề án quy hoạch xây dựng mô hình trang trại sợ người dân không mặn mà tham gia. Nhưng đến nay toàn huyện đã có gần 100 trang trại lớn chuyên chăn nuôi, trồng cây các loại và hàng ngàn trang trại nhỏ tạo thu nhập từ 400 triệu đồng đến hàng tỉ đồng/năm. “Các trang trại cũng là nhân tố đóng góp nguồn thu thuế cho Nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động. Nhờ đa dạng hóa các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đã giúp nhiều hộ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình” - ông Thành nói.