Không chỉ các chị em mà ngay cả cánh mày râu cũng đang ngày càng chứng minh bản thân mình là những tay trồng rau sạch rất cừ. Và, nếu ai đó đến thăm khu vườn rau thủy canh trên sân thượng của ông bố hai con ở Nha Trang có tên Quốc Bảo thì sẽ gật đầu ngay với ý kiến trên.
Tận mắt chứng kiến những ống giàn ngang, ống dọc được sắp xếp một cách khoa học, đẹp mắt, bao phủ xung quanh là các loại rau xanh mướt, tươi tốt, nhiều người đã không tiếc lời khen gợi và cho rằng bước chân vào vườn rau thủy canh của anh Bảo như đang lạc bước vào một công viên nào đó.
Không có diện tích đất vườn cũng không có kinh nghiệm trồng rau sạch, chỉ với mong muốn có rau sạch, thực phẩm sạch cho cả nhà ăn mà anh Quốc Bảo đã mày mò, học hỏi và xây dựng một khu vườn trên sân thượng xanh ngắt với đủ các loại rau, củ, quả khác nhau.
Su hào tím, su hào xanh và đậu cove,.. trong khu vườn.
Kể về hành trình trồng rau sạch, ông bố Nha Trang nói: "Hơn một năm trước, tôi bắt đầu tìm hiểu các mô hình trồng rau sạch. Ban đầu, tôi chọn phương pháp trồng bằng đất (thổ canh). Tuy nhiên, một phần vì công việc kinh doanh bận rộn, một phần vì trồng thổ canh khá vất vả, sâu bệnh và chăm bón mất nhiều thời gian nên sau một thời gian khi nghiên cứu, tôi đã chuyển sang trồng thủy canh này."
Không chỉ có dàn thủy canh nằm ngang, anh Bảo còn đầu tư các ống thủy canh trụ đứng
Nghĩ là làm, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh Bảo đã "hô biến" sân thượng xinh xắn rộng 35m2 tại thành phố Nha Trang thành một "công viên" rau sạch.
Khu vườn là nơi vui chơi, giải trí của các thành viên trong gia đình anh vào cuối mỗi tuần.
"Tự trồng rau sạch giúp gia đình mình yên tâm hơn về nguồn thực phẩm sạch mỗi ngày và đặc biệt đây cũng là không gian riêng cho các con cũng như dành nhiều thời gian cho các con chơi ở ngoài thiên nhiên nhiều hơn..", anh Quốc Bảo bộc bạch.
Chủ nhân của khu vườn thủy canh "vạn người mê" ở Nha Trang.
Tiết lộ thêm về lí do chuyển đổi mô hình từ thủy canh sang thổ canh, ông bố 2 con kể, anh chọn thủy canh vì công việc của anh khá bận rộn, nếu trồng thổ canh theo phương pháp truyền thống sẽ mất nhiều công sức, thời gian chăm bón. Mô hình thủy canh chỉ cần 3-4 ngày chăm sóc một lần, mỗi lần tốn chừng 5-10 phút.
Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận được ưu điểm nổi trội của nó, đó là so với thổ canh, mô hình thủy canh có năng suất cao hơn, ít sâu bệnh, rau đảm bảo sạch theo tiêu chuẩn.
Với diện tích sân thượng khoảng 35m2, anh thiết kế 2 giàn rau thủy canh: một giàn trồng các loại rau của họ cải như cải … và rau muống; giàn còn lại anh dành riêng để trồng xà lách. Các loại rau được trồng theo mùa thích hợp chứ không cố định trồng bất cứ loại nào.
"Trồng rau thủy canh không tốn nhiều sức chăm sóc. Nó chỉ khó trong việc ươm cây con. Sau đó, cây con đưa lên giàn sẽ mất vài ngày kiểm tra dung dịch và điều chỉnh nồng độ pH cho phù hợp", anh Bảo cho biết.
Ông bố nông dân phố ở Nha Trang kể lại: "Tôi thường ươm hạt tới khi cây có 2 lá mầm rồi đem ra nắng nhẹ. Cây có lá thật, tôi sẽ phun dinh dưỡng thủy canh với lượng nhỏ. Vài ngày sau, tôi đem cây con lên máng trồng. Khoảng 35 – 45 ngày, tôi có thể bắt đầu hái các loại rau để phục vụ bữa ăn”.
Thành tích thu hoạch rau, củ, quả khủng trong khu vườn thủy canh
Anh Bảo sử dụng hệ thống thủy canh hồi lưu nên không cần tưới rau. Anh đã thiết lập chế độ tự tưới với công tắc hẹn giờ tắt – mở. Anh Bảo cho hay, cách 4-5 ngày, anh sẽ kiểm tra nồng độ dinh dưỡng bằng bút đo và đưa cây con đạt chuẩn lên giàn.
Bầu, khổ qua, mướp, đậu,... loại cây leo giàn nào cũng đã từng "góp mặt" trong khu vườn của ông bố Nha Trang này
Ngoài ra, bên cạnh diện tích trồng thủy canh, ông bố nông dân phố ở Nha Trang này còn thiết kế một giàn trồng dây leo. Các loại rau được anh trồng xen kẽ cây nhỏ và cân trưởng thành nên sản lượng thu hoạch liên tục. Khi ăn không hết, anh thường đem biếu người thân, hàng xóm hoặc cất trong ngăn mát tủ lạnh. Rau có thể tươi đến một tuần mà vẫn giữ được chất lượng.
Họ nhà cà góp mặt rất nhiều "thành viên" trong khu vườn trên cao này
Giàn bầu hồ lô lủng lỉu quả
Anh Quốc Bảo thường dành thời gian vào sáng sớm để lên chăm sóc vườn rau quả của mình. Ban ngày có hệ thống tưới nhỏ giọt nên các cây trồng trong chậu và earthbox không sợ bị thiếu nước. Chiều đi làm về anh lại lên ngắm và tưới thêm cho cây. Cuối tuần anh lại dành thời gian để cùng các con lên vườn chơi, thu hoạch rau đồng thời bón phân định kỳ cho vườn rau của mình.
Mùa nào thức đấy, khu vườn lúc nào cũng "ngập" trong rau xanh, quả sạch.
Để có được thành tích đáng kể trên, anh Bảo đã gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu bắt đầu trồng rau và thời gian chuyển đổi mô hình từ thổ canh sang thủy canh. Đôi lúc tưởng chừng như công việc bận rộn, việc trồng rau thất bại khiến anh nản lòng, thế nhưng, với niềm say mê, ông bố Nha Trang này đã miệt mài đọc nhiều tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Đồng thời, sau mỗi lần trồng thất bại, anh đã tự rút ra được kinh nghiệm chăm sóc cũng như bón chất dinh dưỡng phù hợp. Và rồi, khu vườn thủy canh "vạn người mê" đã không làm anh thất vọng, khi cho thu về năng suất thu hoạch khủng.
Nói về chi phí đầu tư, anh Bảo cho hay, trồng thủy canh ban đầu cần đầu tư hơi tốn kém một chút nhưng đổi lại, bạn sẽ yên tâm hơn khi sân thượng nhà mình luôn sạch sẽ. thoáng mát. Khoản đầu tư cho vườn rau thủy canh sân thượng của anh Bảo ban đầu mất khoảng 10 triệu đồng.
Không chỉ mình mình đam mê trồng rau sạch, anh Bảo còn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ chính người "bạn đồng hành" của cuộc đời mình. Mỗi lúc anh bận, vợ anh chính là người giúp anh chăm sóc vườn rau thủy canh trên cao này
Dù mới trồng rau được hơn một năm nhưng anh Quốc Bảo không những chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi đã chọn mô hình trồng rau vừa thông minh, vừa tiện ích này mà anh còn muốn giới thiệu nhân rộng mô hình trồng rau sạch thông minh này với nhiều nông dân phố hơn.
Theo Hồng Liên/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn