Nhân viên y tế làm công tác cấp cứu luôn đối mặt với nhiều áp lực. |
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Thọ luôn là một trong những đơn vị điển hình của ngành Y tế. Điển hình vì hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện mô hình bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Giám đốc BVĐK Đức Thọ Hoàng Thư chia sẻ: “Nguyên tắc số 1 của bệnh viện là luôn đặt mình vào tâm lý của người bệnh để hiểu được bệnh nhân cần gì mà xây dựng bệnh viện chứ không phải là bệnh viện có gì”.
Đi từ nhu cầu bệnh nhân nên ngoài phát triển chuyên môn, một trong những hoạt động được bệnh viện hết sức coi trọng đó là thực hiện qui tắc ứng xử trong ngành Y tế. Hàng năm, bệnh viện giao nhiệm vụ cho bộ phận điều dưỡng xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng điều dưỡng và tổ chức ký cam kết thực hiện ở tất cả các khoa, phòng. Hàng tháng, hàng quí, tổ chức đánh giá thực chất.
Bệnh viện tổ chức họp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lắng nghe ý kiến đóng góp. Từ các cuộc họp này, thắc mắc nhiều nhất mà bệnh viện nhận được chính là sự chậm trễ trong khám chữa bệnh (KCB). Sau khi tiếp nhận các ý kiến trên, bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Nếu như trước đây, phòng khám chỉ có 1 bác sỹ, chủ yếu khám bệnh thì nay bệnh viện tăng cường thêm 1 điều dưỡng viên giúp việc để bác sỹ có thêm thời gian tư vấn cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, bệnh viện triển khai lấy số khám tự động. Những giải pháp này đã nhanh chóng ổn định tâm lý bệnh nhân, họ cảm thấy công bằng và yên tâm khi đến KCB. Lấy bệnh nhân là trung tâm hoạt động nên BVĐK Đức Thọ đã tạo được môi trường KCB hết sức thân thiện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chỉ số hấp dẫn của BVĐK Đức Thọ ngày một cao, thu hút cả bệnh nhân ngoại huyện.
BVĐK Đức Thọ triển khai cấp phát số tự động nhằm đảm bảo công bằng cho người dân khi đến khám bệnh |
Xây dựng môi trường bệnh viện thân thiện không chỉ là nhu cầu mà còn là đòi hỏi tất yếu đối với các cơ sở KCB để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Thời gian qua, nhiều đơn vị KCB thực sự đã tạo được môi trường thân thiện khiến người dân hài lòng như BVĐK thành phố Hà Tĩnh, BVĐK Nghi Xuân, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng… Đặc biệt là BVĐK tỉnh, thời gian qua đã có sự cải thiện đột biến về môi trường KCB, được nhiều người khen ngợi.
Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Viết Đồng cho biết: Bệnh viện đã cải tiến được một bước, đặc biệt là xây dựng phòng khám như phòng khách. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều điều phải làm. Một trong những nội dung được bệnh viện xác định là vấn đề cốt tử trong thời gian tới đó là thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế; thực hiện y đức kết hợp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện lời dạy của Người: “Thầy thuốc như mẹ hiền”; “Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”… Làm tốt các nội dung này tất yếu sẽ tạo ra môi trường làm việc, môi trường KCB hết sức thân thiện, tích cực, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân trong toàn tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu cho biết: Chăm sóc sức khỏe người dân là nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi cán bộ, nhân viên y tế phải không ngừng nỗ lực. 2014 là năm đầu tiên Bộ Y tế áp dụng cho ngành bộ khung về chất lượng bệnh viện với phương châm chủ đạo lấy người bệnh làm trung tâm, trong đó gồm 5 nhóm vấn đề với 83 tiêu chí. Ngành Y tế Hà Tĩnh đang tập trung cho nội dung này. Cốt lõi của vấn đề là tất cả các quy trình KCB, quy trình trong quản lý bệnh viện phải được thực hiện chặt chẽ. Các thành viên tham gia phải nắm rõ và vận hành đúng quy trình. Nội dung quy trình được công khai và mọi người tham gia đều thấu hiểu và thực hiện. Từ việc vận hành đúng các quy trình, chất lượng hoạt động sẽ được đảm bảo và hạn chế thấp nhất những rủi ro trong nghề.
Một trong những mục tiêu trong thực hiện các tiêu chí mới đối với các bệnh viện mà ngành Y tế Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng là xây dựng môi trường y tế thân thiện. Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu, sự thân thiện mà ngành Y tế đang hướng tới là sự thân thiện tích cực, toàn diện, được thể hiện ở nhiều mặt như hình ảnh người cán bộ y tế làm được nhiều việc tốt, cách quản lý bệnh viện, việc tổ chức các quy trình trong KCB, việc thực hiện kỷ cương, minh bạch trong các hoạt động, thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế, chăm lo đời sống CBCNV, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện… Sở Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và hướng dẫn các đơn vị thực hiện.
Bác sỹ Mai Văn Lục - Trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh: Môi trường nhiều áp lực, cần sự chia sẻ Cán bộ y tế trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu đang đối mặt với nhiều áp lực. Về thời gian, chúng tôi dường như không có giờ giấc theo qui định, cần là phải làm. Hầu hết các y, bác sỹ chủ yếu là ở bệnh viện, thời gian dành cho gia đình quá ít. Về phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì còn thiếu sự chia sẻ. Theo qui định, một bệnh nhân vào điều trị tại khoa thì được kèm theo một người nhà, nhưng hiện tượng người nhà luôn đứng ở cửa để nài nỉ xin thêm người vào vẫn còn phổ biến. Đặc biệt là đối với bệnh nhân tai nạn, một người trong buồng bệnh thì có đến hàng chục người đứng chờ ngoài hành lang và sẵn sàng “xông” vào bất cứ lúc nào. Một áp lực nữa là việc tự ý xin chuyển tuyến của người nhà trong khi nhân viên y tế đang tập trung cao độ cứu chữa và bệnh nhân đang có chuyển biến tích cực. Nhân viên y tế chưa thực sự được bảo vệ trước sự kích động của người nhà cũng là một áp lực nặng nề. Bà Nguyễn Thị Dung (tổ dân phố 6, thị trấn Cẩm Xuyên): Cần tiếp tục chấn chỉnh cung cách ứng xử Tôi bị bệnh mãn tính nên thường xuyên lui tới các bệnh viện. Tôi nhận thấy, thời gian qua, các bệnh viện ở Hà Tĩnh (cụ thể là BVĐK Cẩm Xuyên và BVĐK tỉnh) đã có nhiều tiến bộ, rõ nhất là trong việc thực hiện quy trình khám bệnh và thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, chúng tôi mong các bệnh viện cần tiếp tục chấn chỉnh, nhất là trong việc thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế. Bởi vẫn còn một số cán bộ y tế lạnh lùng, thậm chí là gắt gỏng với bệnh nhân; việc tư vấn cho bệnh nhân còn hạn chế… BS Phan Ngọc Lan - Trưởng khoa Lao ngoài phổi và bệnh phổi (BV Lao và Bệnh phổi tỉnh): Không phải cách nhận “phong bì” nào cũng xấu Đưa và nhận “phong bì” trong các bệnh viện là vấn đề “nóng” khiến không ít cán bộ ngành y cảm thấy chạnh lòng. Có người đưa “phong bì” cho nhân viên y tế khi bệnh nhân vừa chân ướt chân ráo nhập viện; có người đưa trong quá trình điều trị; có người lại đưa khi sức khỏe đã ổn định, xuất viện. Một thái độ là đưa vì trao đổi, mua bán sự quan tâm, chăm sóc; hai là vì nghĩa, thể hiện tấm lòng biết ơn đối với cán bộ y tế, người đã giành lại sự sống, sức khỏe cho bệnh nhân. Đưa vì nghĩa thì rất phổ biến trong cuộc sống, như một nét văn hóa của người Việt nói chung. Như vậy, nếu cán bộ ngành Y tế nhận “phong bì” vì nghĩa thì không phải là vấn đề tiêu cực. Còn chuyện đưa và nhận “phong bì” khi bệnh nhân mới nhập viện hoặc đang trong quá trình điều trị mới là vấn đề phải bàn. Không có cán bộ y tế nào ra giá hoặc đòi hỏi phải có “phong bì” khi bệnh nhân vào viện, có chăng chỉ là một bộ phận nhỏ. Thường với những cán bộ y tế có “tấm lòng trong” thì người ta giải thích rõ với người nhà bệnh nhân và từ chối. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đời sống cán bộ, nhân viên ngành y chưa đảm bảo do chế độ đãi ngộ thấp nên nhiều người vẫn nhận trong trường hợp này. Vì vậy, đừng quy chụp vấn đề “phong bì” trong ngành y với y đức, điều này không công bằng với cán bộ, nhân viên y tế. Đừng chỉ nhìn những “con sâu” để rồi phán xét cả “nồi canh”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn