Dù đã vào cuối mùa, nhưng 1ha trồng nhãn của gia đình ông Phan Văn Đấu (tổ 21, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) vẫn trĩu quả. Ông Đấu cho biết, đây là loại nhãn được ông lai ghép từ cây nhãn tiêu và nhãn xuồng để cho ra loại trái vừa to, cơm dày nhưng hạt nhỏ. Hiện nay, trung bình 1 năm, ông thu hoạch được 5 tấn nhãn/ha, bán cho thương lái tại vườn với giá từ 100-130 ngàn đồng/kg (nhãn tiêu); 40-60 ngàn đồng/kg (nhãn xuồng). Trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình ông Đấu thu lãi từ 150-200 triệu đồng.
Đến nay, xã Long Mỹ đã có 22 hộ trồng nhãn với diện tích 20ha. Trong đó, 14ha trồng mới được chuyển đổi từ diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả như khoai mỳ, lúa... Theo cán bộ xã Long Mỹ, việc lai tạo, áp dụng KH-CN để cho ra những giống nhãn đặc trưng, có năng suất, giá bán cao là việc mà xã Long Mỹ khuyến khích bà con nông dân mạnh dạn đầu tư nhân rộng Cùng với các mô hình trồng cây đậu phộng, rau an toàn, hoa lan cây cảnh... thì mô hình trồng nhãn đã góp phần giúp xã Long Mỹ đạt tiêu chí thu nhập của xã NTM vào cuối năm 2015, với 37,5 triệu đồng/người/năm.
Ngay từ thời điểm xây dựng đề án xã NTM, chính quyền các địa phương đã phối hợp với các đoàn thể khuyến khích nông dân cùng liên kết đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng giá trị trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, mô hình nuôi lươn không cần bùn, kết hợp nuôi trùn quế và cua đinh của HTX Nông nghiệp Đức Vinh (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) là một ví dụ. Thành lập từ năm 2012, nhưng 2 năm đầu HTX chỉ nuôi lươn nên lợi nhuận không cao. Từ năm 2014, HTX bắt đầu đầu tư nuôi lươn trên giá thể làm bằng tre (không cần bùn), nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn, còn phân trùn bán cho các hộ trồng tiêu và cà phê; phần diện tích còn lại, các xã viên xây thêm các bể để nuôi cua đinh. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, mỗi xã viên HTX Nông nghiệp Đức Vinh thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm. Theo bà Hồ Thị Mỹ Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Xà Bang, hiện nay, nhiều mô hình chăn nuôi như nuôi trùn quế, nuôi lươn trên giá thể, nuôi dê, nuôi heo theo mô hình trang trại đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Sản phẩm của các mô hình chăn nuôi này phù hợp với nhu cầu thị trường, đem lại lợi nhuận nhanh, giúp nhiều gia đình khấm khá. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Xà Bang đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với thời điểm năm 2012.
Ông Nguyễn Tiến Bảy, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM tỉnh cho biết, tìm ra các phương thức, sản phẩm chăn nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao là hướng đi mà các xã NTM luôn khuyến khích các hộ nông dân triển khai thực hiện. Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập đã được nhân rộng như trồng rau bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarael tại xã Châu Pha (huyện Tân Thành); trồng bưởi da xanh VietGAP tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành); trồng cà tím theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc); chăn nuôi heo, gà chuồng lạnh tại các xã Láng Lớn, Đá Bạc (huyện Châu Đức)… Bên cạnh đó, các xã NTM còn hình thành các vùng chuyên canh như vùng chuyên canh trồng mãng cầu ta; thanh long; nhãn xuồng cơm vàng… Sau khi đánh giá hiệu quả những mô hình mới, các xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới và tạo điều kiện để nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, có 25/43 xã xây dựng NTM đã đạt tiêu chí thu nhập (đạt từ 34 triệu đồng/người/năm trở lên), chiếm tỷ lệ 58%. Đối với 21 xã xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015, mức thu nhập trung bình của người dân hiện đạt khoảng 34,7 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2012.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn