Tiên phong trồng cam trên vùng chuyển đổi
Ông Vũ Văn Cường ở thôn Vũ Xá được xem là người tiên phong đưa cây cam về trồng trên vùng chuyển đổi. Ông cho biết, gia đình có hơn 7.200m2 ruộng, trước đây chủ yếu là cấy lúa rồi trồng vải, na, chuối nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi cùng đi tham quan mô hình trồng cam ở Hưng Yên, được nhà vườn tư vấn, về nhà ông nghiên cứu thổ nhưỡng, học hỏi thêm kĩ thuật từ cán bộ khuyến nông, Hội Làm vườn, xem tư vấn kĩ thuật trên báo, đài… Năm 2003, ông mạnh dạn đưa cây cam về trồng xen bưởi Diễn, ổi, có thu trên 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Cường, mặc dù cây cam được phát triển trên đất Thất Hùng sau nhiều địa phương khác nhưng quả cam nơi đây lại có chất lượng khá cao, sớm nổi tiếng cả vùng. Một phần nhờ đất bãi phù sa có tầng canh tác rất dày, một phần nhờ nông dân nơi đây có “bí quyết” làm cho quả cam ngon, ngọt.
“Thời điểm cây có quả bằng hạt đậu tương cần phải tác động vào rễ để cây đâm nhiều rễ mới hút dinh dưỡng nuôi quả. Có thể tác động bằng cách cuốc đất khoanh bầu xung quanh tán cam, phơi đất cho khô và rắc vôi bột xử lý đất. Bón phân đúng thời điểm mới cho quả cam chất lượng ngon, ngọt hơn cách làm truyền thống”, ông Cường chia sẻ.
Thực tế ông thấy dùng phân chuồng ủ mục cùng men vi sinh và các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bèo tây kết hợp với cá, ốc được ngâm kĩ mà bón cho cam thì thật tuyệt vời. Nếu dùng phân bón hữu cơ thay thế phân hóa học để bón cho cam thì không những cây chắc khỏe, ít nhiễm sâu bệnh, mà còn tồn tại được lâu bền, cho chất lượng quả cao nhất. Giờ thì gia đình ông Cường ngày càng sung túc khi sở hữu trên 1.000 gốc cam các loại (cam Vinh, đường Canh) với thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Đến nay, gia đình ông có diện tích cam lớn nhất xã, trở thành địa chỉ sản xuất, cung ứng giống cây, tư vấn kĩ thuật cho nhà vườn trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng thương hiệu “Cam VietGAP Hải Dương”
Liền kề với vườn nhà ông Cường là khu vườn cam của anh Phạm Văn Triệu. Anh Triệucho biết, thấy vườn cam nhà ông Cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh hiệu quả, anh và nhiều nông dân khác cũng áp dụng theo. Chính vì vậy, cam Thất Hùng không chỉ khỏe mạnh, ít sâu bệnh, sống lâu mà còn có chất lượng quả ngon ngọt và sạch, không tồn dư thuốc hóa học hay thuốc bảo quản. Ngoài ra, nông dân Thất Hùng có kinh nghiệm điều khiển cây ra hoa đúng thời điểm theo ý muốn. Để cây cam cho thu quả vào dịp Tết, có giá bán cao thì tháng 1-2 dương lịch tiến hành khoanh bầu, đảo cây, khoanh vỏ để lùi thời gian cây đâm chồi, ra nụ… Như vậy, cây cam cho thu hoạch muộn hơn thông thường và sẽ được thu quả vào dịp áp Tết Nguyên đán, giá bán sẽ cao hơn chính vụ 1,3-1,5 lần, thậm chí nếu có cam vụ muộn giá bán có thể lên đến 60-70 nghìn đồng/kg.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thuấn ở thôn Vũ Xá có gần 3.600m2 trồng cam Vinh. Bà cho biết, những năm trước đây, khi còn sản xuất thông thường, mỗi vụ gia đình thu lãi 150 - 200 triệu đồng. Kể từ năm 2016, bà cùng các con tham gia học các lớp trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng vào sản xuất của gia đình nhằm tăng năng suất, chất lượng cam quả và đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Không chỉ có gia đình bà tham gia mà đông đảo nhà vườn trồng cam trong xã cũng hưởng ứng và làm theo. Năm 2017, huyện Kinh Môn được Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương hỗ trợ xây dựng thương hiệu cam Vinh và cam đường Canh của xã Thất Hùng mang tên “Cam VietGAP Hải Dương”. Nhờ đó, cam quả Thất Hùng có giá trị hơn trước, đã có nhiều đơn vị thu mua về tận nơi đặt hàng.
Bà Thuấn niềm nở cho biết thêm, sản xuất có lãi và ổn định như thế này thì bà và nhiều nông dân khác sẽ tích cực mở rộng diện tích trồng cam, học hỏi khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm từ nơi khác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho những vườn cam ngày càng chất lượng và nổi tiếng hơn.
Không chỉ thâm canh để có cam quả ngon ngọt, nông dân Thất Hùng còn đầu tư kĩ thuật bonsai để đưa cây cam lên chậu cảnh bán trong dịp Tết Nguyên đán, góp phần nâng cao giá trị cam của quê hương.
Thất Hùng giờ không còn là vùng lúa hay vùng na như trước mà là vùng cam có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đại diện cho tỉnh Hải Dương “thi đua” với cam nơi khác.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã Thất Hùng, cho biết, vùng trồng cam của xã là vùng bãi phù sa màu mỡ. Cây cam được trồng ở đây hơn chục năm nay và phát triển nhanh trong 7-8 năm trở lại đây. Nhờ chất lượng cam ngon ngọt hơn so với địa phương khác nên cam Thất Hùng ngày càng bán được giá, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân địa phương. Chính quyền xã cũng đã tạo điều kiện cho các hộ trồng cam bằng nhiều hình thức như tổ chức các lớp sản xuất theo quy trình VietGAP, đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại qua các chương trình hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm…