Dự kiến đạt 5,6 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2017
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD/năm.
Điều này được thể hiện rõ qua những tín hiệu khả quan như hợp đồng xuất khẩu gạo tăng đáng kể trong những tháng cuối năm 2017.
Nhờ đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì 5,2 triệu tấn như dự kiến trước đó. Khác với tình hình ảm đạm năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, từ tháng 05/2017 đến nay, xuất khẩu gạo bắt đầu tăng trưởng trở lại khi số hợp đồng xuất khẩu gạo tăng đáng kể.
Theo VFA, 9 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu khoảng 4,57 triệu tấn gạo, tăng 20,8% về lượng và hơn 18,6% về giá trị (tương đương 2,02 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 08/2017 được coi là thời điểm xuất khẩu gạo bứt phá mạnh nhất khi tăng 70% về lượng và 56,8% về trị giá FOB. Lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng tăng kỷ lục với gần 842.000 tấn, tăng 207% so so với tháng 07/2017 và tăng gần 115% so với cùng kỳ. Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Đại Dương…
Theo VFA, xuất khẩu gạo tăng cả về số lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016 là do sự tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.
Với tình hình thị trường và lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo tăng kỷ lục trong những tháng qua và sự chuyển biến mạnh của thị trường, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nâng mục tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn thay vì mục tiêu 5,2 triệu tấn trước đó. Đến nay, ngành lúa gạo đã đạt được gần 82% kế hoạch.
Tuy nhiên, dù sản xuất lúa gạo có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn bất cập, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu thị trường trong khi diễn biến thị trường gạo quốc tế ngày càng phức tạp. Cụ thể các nước nhập khẩu đang tiến tới tự túc lương thực đồng thời đưa ra nhiều rào cản thương mại gây khó khăn cho sản phẩm gạo thâm nhập.
Thay đổi tư duy, tạo đột phá
Trước thực tế này, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo, Bộ Công Thương đã xây dựng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 17/10 vừa qua, ông Trần Xuân Long, Trưởng phòng xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu - cho biết, theo mục tiêu tổng quát mà chiến lược đưa, trong giai đoạn 2017-2020 lượng gạo xuất khẩu hàng năm sẽ giảm còn khoảng 4,5-5 triệu tấn nhưng vẫn đạt giá trị từ 2,2-2,3 tỷ USD; giai đoạn 2020-2030 sẽ giảm sản lượng xuống 4 triệu tấn nhưng giá trị sẽ đạt vào khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng đến năm 2020 sẽ điều chỉnh sản lượng gạo trắng cấp thấp và trung bình còn dưới 20%, gạo trắng cấp cao khoảng 25%; nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica lên 30%, gạo nếp 20% và sản phẩm gạo có tỷ lệ gia tăng khác chiếm khoảng 5%. Đến năm 2030 sẽ giảm gạo trắng cấp thấp, trung bình còn 10%, gạo trắng phẩm cấp cao là 15%; đồng thời nâng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản, Japonica lên 40%, gạo nếp 25% và sản phẩm gạo có giá trị gia tăng khác 10%.
Để thực hiện, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-BCT ngày 5/9/2017 và phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, Bộ Công Thương với vai trò đơn vị chủ trì thực hiện sẽ xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển từng thị trường xuất khẩu gạo, giải pháp ứng phó với biến động của thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lúa gạo…
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), làm thế nào để doanh nghiệp hưởng lợi từ chiến lược này thì cần phải có sự chung tay của các Bộ, ngành nhằm có giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, mang tính bền vững kết nối, lấy tín hiệu thị trường gắn với định hướng sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, dẫn lời ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam trên Báo Công Thương đề xuất, Chính phủ cần có chính sách thiết thực khuyến khích tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường; thúc đẩy đàm phán và ký kết thỏa thuận về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm hợp lý với các nước nhập khẩu... Về phía doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết với người nông dân, đảm bảo nguồn cung phù hợp với yêu cầu thị trường.Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn