Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, quý I/2018, các mặt hàng rau quả xuất khẩu ước đạt 934 triệu USD, tăng trên 33% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mặt hàng quả đạt 752 triệu USD, tăng 27%; còn lại là rau (98 triệu USD, giảm 3%) và các mặt hàng khác (84 triệu USD, tăng 14%). Thị trường xuất khẩu rau quả chính của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm 77% thị phần; tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..
Với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 nhóm hàng nông nghiệp, rau quả Việt hiện được xếp trên kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (2,8 tỷ USD), than đá (gần 300 triệu USD), thậm chí còn vượt kim ngạch của các sản phẩm công nghiệp chiến lược như sắt thép (3,1 tỷ USD).
Không ít chuyên gia cho rằng đây là một kết quả xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ suốt thời gian dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý tới những quy định nghiêm ngặt từ các thị trường bởi đây là những nút thắt nhưng cũng là lực đẩy để rau quả Việt Nam vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm hiện tại, rau quả tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng cao nhất trong nhóm hàng nông sản ngay từ đầu năm 2018. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ngành rau quả Việt Nam đã thành công rực rỡ khi chinh phục được nhiều thị trường khó tính và có mặt tại kệ hàng của các siêu thị, cửa hàng ở hơn 60 quốc gia.
Đặc biệt, lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả vượt qua dầu thô. Câu chuyện tăng trưởng của mặt hàng này đã mở ra triển vọng mới cho nông sản Việt Nam khi từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Cùng quan điểm này, không ít chuyên gia thương mại cũng cho rằng, rau quả Việt Nam được ví như “con thuyền lội ngược dòng” khi từng bước vượt qua khó khăn để cán đích, có mặt ở nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Australia, Nhật Bản...
Tìm lối đi riêng
Dù điều kiện sản xuất gặp khó khăn và thường xuyên phải đối mặt với những trận bão lớn, mưa nhiều nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn tìm ra được lối đi riêng, nỗ lực vượt khó. Đặc biệt, bên cạnh các thị trường truyền thống, rau quả Việt Nam đang được nhiều thị trường khó tính để mắt và quan tâm.
Ngay sau lô vú sữa đầu tiên được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ hồi cuối tháng 12/2017, tính đến hết tháng 2/2018, đã có tổng cộng 134 lô vú sữa được xuất khẩu vào thị trường này với khối lượng khoảng 230 tấn.
Không dừng lại ở đó, Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục mở cửa cho trái xoài Việt Nam vào cuối năm 2017 và dự kiến, trong tháng 4/2018, lễ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sẽ được thực hiện, mở rộng cửa hơn cho trái cây Việt Nam vào thị trường này. Ngoài ra, tiếp theo trái vải, xoài và thanh long được xuất khẩu vào Australia, nhiều khả năng quả nhãn tươi của Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Australia kể từ đầu năm 2019.
Đây là thông tin tốt cho ngành trái cây Việt Nam dù Australia là một nước nông nghiệp nhưng trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này là trái mùa nên có khả năng tiêu thụ với giá cao.
Đánh giá từ giới phân tích cho thấy, việc gia tăng xuất khẩu rau quả vào các thị trường khó tính không chỉ giúp tăng kim ngạch cho ngành rau quả mà còn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm này.
Chẳng hạn như với thị trường Hoa Kỳ, để được cấp phép xuất khẩu, vùng trồng phải đáp ứng được những quy định khắt khe. Do đó, tại vùng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang) - khu vực đầu tiên được xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác, hạn chế phun các loại thuốc mà phía Hoa Kỳ đã cảnh báo. Hơn nữa, người dân nơi đây còn phải tiến hành bao trái, cách ly thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Đổi lại, trái vú sữa xuất khẩu tại vườn được bán với giá cao gấp 3 lần trong nước.
Theo Baonhandao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn