Nhân giống heo ở trời Tây
Bên tách trà nóng, ông Công ngồi thư dãn sau những ngày chu du trên đất nước Canada lạnh giá để đàm phán về việc mua lại trang trại heo. “Nếu đầu xuôi, đuôi lọt, tháng 6 năm sau tôi sẽ cho trang trại heo ở Canada hoạt động” - ông Công cho biết.
Nói về trang trại heo ở tỉnh Saskatoon (Canada) - nơi ông đang thương lượng để mua, ông Công cho biết trang trại này đang hoạt động và có tiếng về sản xuất, tiêu thụ heo giống cũng như heo thịt. Giá ban đầu họ đưa ra là 4 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng). “Đây là trang trại khép kín từ sản xuất thức ăn cho đến chăn nuôi, quy mô của trang trại là 1.200 con nái. Lãi ròng bình quân 400.000 USD/năm” - ông Công giới thiệu. Ông cũng cho biết, mọi chuyện thương lượng đang trong chiều hướng khá tốt, hy vọng sẽ kết thúc vào tháng 1.2015.
Khi phóng viên hỏi vì sao không phát triển trại chăn nuôi, nhân giống heo ở Việt Nam mà phải sang tận Canada? Ông Công cho rằng bên cạnh những lợi thế làm ăn như được Chính phủ Canada hỗ trợ vốn vay ngân hàng; hỗ trợ vốn mua trang trại; trạng trại lại nằm cạnh vùng nguyên liệu lúa mì, được tiếp cận công nghệ chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học… cái chính là việc mua lại trang trại sẽ tạo ra những đàn heo giống chất lượng, đạt tiêu chuẩn Canada để đưa về Việt Nam, góp phần phát triển ngành chăn nuôi trong nước.
Theo ông Công, hiện ngay cả Viện Chăn nuôi quốc gia cũng chưa thể sản xuất được con giống chuẩn, hầu hết giống heo đang nuôi ở Việt Nam đều phải nhập ngoại. “Tôi đã dự tính hết rồi. Sau khi mua trang trại và đưa vào hoạt động, tôi sẽ đưa sinh viên ngành chăn nuôi Việt Nam sang đấy học tập để các em tiếp cận công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Canada, nhằm nâng chất ngành chăn nuôi Việt Nam trong tương lai” - ông Công thổ lộ.
Ông Công cho biết thêm, ở Canada cũng có một trang trại heo rộng 300 mẫu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại đang rao bán với giá 500.000USD, tuy nhiên trang trại này đã ngừng hoạt động.
Hiện nay, ngoài trại trung chuyển giống heo từ nước ngoài tại Xuân Lộc (Đồng Nai), với quy mô hơn 1.000 heo nái, cung ứng khoảng 30.000 heo giống/năm cho các hộ chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ, ông Công còn có một trang trại nuôi heo ở Lâm Đồng và sắp tới, trang trại này sẽ được nâng cấp để làm trạm trung chuyển của những con heo giống mang về từ Canada trước khi đến tay nhà nông Việt Nam.
“Quái kiệt” nuôi heo
Ông Nguyễn Trí Công vào nghề chăn nuôi heo từ năm 1985. Nhắc đến cái tên Nguyễn Trí Công, dân trong ngành chăn nuôi cả nước hầu như ai cũng biết, bởi ông là người đã áp dụng phần mềm công nghệ vào nuôi heo thành công mỹ mãn. Thậm chí, Tạp chí Asian Pork (tạp chí chăn nuôi của Hiệp hội Chăn nuôi châu Á) đã dành hẳn 3 trang để nói về ông như một điển hình chăn nuôi heo của châu Á.
Nói về sự kiện này, ông Công cười lớn: “Lúc bấy giờ tay phóng viên người Thái tên Chakrit Ridmontri tìm đến trại heo của tôi. Trong câu chuyện, anh ta luôn tự hào rằng ngành chăn nuôi heo của nước Thái đi trước Việt Nam cả thập niên. Tôi nói điều đó có thể đúng, nhưng ở trại heo này thì sai hoàn toàn. Tôi cho anh ta hay: Mỗi con nái ở đây đẻ 22 con/năm (bình quân ở Việt Nam là 14 con/nái/năm). Lúc đầu anh ta không tin, nhưng sau khi tận mắt xem đàn heo và kỹ thuật chăn nuôi của trang trại, anh ta thực sự bái phục”.
Năm 1995, ông Công bắt đầu làm quen với máy vi tính và sau đó áp dụng phần mềm quản lý trong chăn nuôi heo. Việc áp dụng những phần mềm này đã cho những kết quả vượt trội so với cách nuôi thông thường ở Việt Nam. Theo đó, bình quân con nái một năm đẻ 3 lứa (bình quân trong nước là 2 lứa). Số heo con nuôi sống của mỗi con nái là 22 con/năm (bình quân trong nước là 17con/nái/năm). Lúc cao điểm, đàn heo của ông lên đến hơn 5.000 con nhưng chỉ cần 13 công nhân làm việc ở trại heo. Mỗi tháng trại heo của ông xuất hàng trăm con heo thịt. |
Không dừng ở đó, các phần mềm còn cho ông những thông số để đánh giá năng suất, chất lượng giống, kế hoạch cai sữa, trộn thức ăn sao cho tiết kiệm và chất lượng nhất. Với phần mềm hiện đại, cộng với các thông số được cập nhật hàng ngày, máy tính sẽ cho biết khẩu phần thức ăn phù hợp trong từng giai đoạn phát triển của con heo.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chăn nuôi heo nhờ các phần mềm công nghệ, ông Công còn cho heo nghe… nhạc giao hưởng nhằm tăng năng suất. Chưa có nhà khoa học nào chứng minh heo nghe nhạc giao hưởng sẽ đem lại hiệu quả, nhưng theo kinh nghiệm của ông Công, từ ngày cho heo nghe nhạc Beethoven, Mozart hay Schubert…, heo chóng lớn hơn hẳn.
Ông Công cũng bày tỏ trăn trở khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi bên cạnh những mặt lợi, ngành chăn nuôi sẽ có thách thức rất lớn từ các đối tác nước ngoài, nhất là thịt ngoại sẽ lấn lướt thịt nội, các sản phẩm nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh khốc liệt. Việc ông mua trang trại heo ở Canada cũng là để tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm tìm lợi thế cho con heo Việt Nam và đó có thể xem là một bước đi trước thời cuộc của ông. “Tôi chăn nuôi heo từ năm 1985. Có được như ngày hôm nay, tôi đã trải qua biết bao thăng trầm. Có những lúc tôi tưởng mình phải bỏ cuộc với con heo vì thua lỗ trắng tay. Qua nhiều năm, tôi nghiệm ra rằng trong chăn nuôi, hơn thua với nhau là có chịu khó học hỏi hay không” - ông Công nói.
Theo ông Công, ngành chăn nuôi Việt Nam đang thiếu một “nhạc trưởng” để điều hành cho nhịp nhàng. Đây là một thách thức thật sự khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Ông bày tỏ: “Khi ấy nếu Thái Lan mổ gà đêm trước thì 5 giờ sáng hôm sau sản phẩm này đã có mặt ở TP.HCM. Do đó, nếu ngành chăn nuôi Việt Nam không kịp thời thay đổi thì sẽ không thể cạnh tranh”.
Theo danviet.vn