Nó không chỉ là sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL mà còn là lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu và chinh phục nhiều thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông… Tuy nhiên, cá tra chỉ được nhiều người biết đến qua tên gọi cá ba sa và thị trường chỉ có hình thức fillet (phi lê), cá đông lạnh, giá trị dinh dưỡng vì thế cũng không được vẹn nguyên. Nhưng về miền Tây, du khách có thể thưởng thức trọn vẹn vị ngọt, tươi ngon và dinh dưỡng của loại cá này qua món ăn có tên có mỹ vị: cá tra ngũ vị.
Ảnh: MINH NHIÊN
Cá tra ngũ vị xuất phát từ ý tưởng của chị Lê Thị Bé Bảy- người tham gia cuộc thi đầu bếp tài năng Mekong Chef lần thứ ba, năm 2017. Món ăn sáng tạo này đã giúp chị đạt giải ba của cuộc thi, cũng dần trở thành đặc sản của Cần Thơ được bạn bè quốc tế tìm thưởng thức. Đặc biệt là tại hội nghị ASEM vừa diễn ra tại Cần Thơ, nhiều đại biểu đã lựa chọn và thưởng thức món đặc sản này.
Tinh túy và cốt lõi của món ăn này, theo đánh giá của nhiều vị khách quốc tế chính là vị ngọt, độ tươi của cá vẫn được giữ nguyên vẹn, cùng với đó là nhiều cung bậc hương vị, tạo cho món ăn sự mới lạ, hấp dẫn, kích thích vị giác. 5 hương vị nước xốt với năm sắc màu không chỉ tạo cho món ăn thêm đẹp mắt mà còn thêm bắt vị, tạo hương sắc đủ đầy.
Chị Lê Thị Bé Bảy chia sẻ: “Món ăn muốn giữ nguyên độ tươi ngon, giá trị dinh dưỡng thì hấp là cách chế biến tối ưu nhất. Tuy nhiên, với cá tra thì lựa chọn này khiến tôi phải cân nhắc khá nhiều. Để át mùi tanh tự nhiên của cá, tôi nghĩ đến việc tạo ra các vị nước xốt dùng kèm và nó thành công, được mọi người đón nhận”.
Cá tra hấp thịt trắng phau, không chỉ thoang thoảng mùi hương sả, lá sen mà còn thêm phần mỹ vị khi dùng kèm năm loại xốt nhà làm. Sốt thứ nhất được làm từ cà chua và nước mắm cồn Sơn, chua ngọt thoang thoảng. Sốt thứ hai, xốt phô mai, khiến nhiều người ngạc nhiên với vị béo, mặn hòa với vị ngọt của cá tạo nên hương vị khá lạ miệng, hấp dẫn. Sốt này được làm từ phô mai, lòng đỏ trứng muối và rau om tía, hòa quyện ẩm thực Đông Tây khá thú vị. Thứ ba là sốt làm từ mứt tắc, mật ong trộn với rau om xắt nhuyễn có vị chua ngọt, thoang thoảng mùi thơm, đỡ ngán.
Nếu ai thích vị cay có thể dùng món sốt thứ tư làm từ ớt xanh và sữa tươi, vị cay vừa, thanh tao. Cuối cùng là sốt mù tạt nhà làm, mang đến cho thực khách hương vị mới của cá tra ngũ vị. Với 30% nguyên liệu là mù tạt nguyên chất của Nhật, pha trộn thêm cải xanh, rau cần, xốt mù tạt không chỉ tạo vị cay nồng mà còn có chút mùi hăng, mùi thơm rau cần, tạo vị rất mạnh.
Cá tra ngũ vị là món ăn nhìn có vẻ có đơn giản nhưng thực tế lại rất kỳ công và sáng tạo, có sự giao thoa văn hóa ẩm thực Đông Tây nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn