Tận dụng cây dừa mục, thân tre có sẵn và các vật dụng trong gia đình, một cán bộ hưu trí ở An Giang đã tạo nên vườn rau sạch và khuôn viên cây cảnh đẹp trong gia đình, thu hút sự chú ý của mọi người
Vườn rau sạch và cây cảnh của ông Lê Phước Thọ, ấp An Thuận, thị trấn An Phú, huyện An Phú mấy tháng nay đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người. Ông nguyên là Phó phòng Thanh tra, Sở Tài Nguyên - Môi trường An Giang. Nhờ làm trong ngành này 35 năm mà ông được cử đi tham quan, học hỏi nhiều nơi trong và ngoài nước. Trong đó có cách trồng rau sạch ở Trung Quốc. “Học lóm” nghề nước bạn Khi còn làm việc công, từ tháng 10 - 12/2011 ông Thọ được được cử đi công tác chung với đoàn của tỉnh sang tham quan học hỏi mô hình xây dựng xã nông thôn mới ở các địa phương của Trung Quốc. Tại đây, ngoài việc học tập lý thuyết, đoàn được dẫn đi tham quan thực tế tại 31 tỉnh, thành phố của nước bạn. Ông ấn tượng nhất là các khu vườn rau sạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên đã chụp một số hình ảnh để về hướng dẫn bà con làm theo. Ông thấy toàn bộ diện tích xung quanh nhà dân họ đều trồng rau, hoa và cây cảnh rất nhiều, không còn khoảng trống nào là “bỏ không”. “Ở những điểm tôi tham quan, họ tận dụng từng khoảng trống của không gian hay mặt đất để trồng rau và hoa quả. Họ quản lý việc sử dụng phân, thuốc BVTV rất nghiêm ngặt. Nhìn vào vườn của họ khó thấy được nơi nào là chỗ trống. Quy trình trồng theo hộ gia đình cũng khép kín”, ông nói. Thời gian trôi qua mau khiến ông “quên” đi việc này. Đến tháng 9/2014 thì ông nhận quyết định nghỉ hưu. Trở về nhà ông cảm thấy vì buồn có không việc gì làm nên mới tìm vui với cây cảnh. “Làm việc quen rồi mà về nhà chỉ có một mình nên cũng buồn lắm. Tôi thường xem lại các hình ảnh kỷ niệm đi công tác ở các nơi, thấy lại hình ảnh xây dựng NTM của Trung Quốc và rất thích mà không biết bao giờ nước mình mới xây dựng được như vậy!”, ông Thọ bộc bạch. Sáng tạo theo “cái có sẵn” Thấy nông dân nước bạn SX rau hiệu quả, ít tốn chi phí mà đảm bảo an toàn nên từ khi về hưu đến nay, ông quần quật bên vườn rau và cây cảnh. Không vợ con, ông chỉ sống với gia đình người em trai nên cũng buồn. Ông quyết định trồng rau theo mô hình của nước bạn nhưng bằng những thứ “có sẵn” để cả nhà có rau sạch ăn, không phải dùng rau chợ mà lo sợ bệnh này, bệnh nọ nữa. “Lúc trước mua rau ngoài chợ về tôi phải ngâm nước ấm rồi lại rửa sạch trở lại vài lần mà ăn vào cũng chưa an tâm. Từ ngày trồng rau sạch thì mấy tháng nay gia đình em trai và tôi ăn hoài không ngán, không còn cảnh phập phồng lo sợ vì rau nữa”, ông Thọ vui vẻ nói. Theo ông Thọ, mục đích trồng rau sạch của ông trước nhất là phục vụ gia đình và sau đó là muốn bà con trong và ngoài địa phương học hỏi để làm theo. “Cách nay vài bữa có một số trường mầm non, mẫu giáo có nhờ tôi làm "vườn cổ tích" để dạy học cho các em thiếu nhi bằng những vật dụng có sẵn nhưng tôi thấy già rồi không lo nổi nên đã từ chối và tập trung làm thử mô hình ở nhà xem thành công đến đâu”, ông Thọ nói. Theo ông, hiện nay cả thế giới đang cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trong rau, củ quả rất nhiều mà ngời dân mình thì hám lợi, người tiêu dùng thì thích giá rẻ nên không ai quan tâm đến bệnh tật. Từ đó, nhiều loại bệnh cứ ập vào người mà chẳng ai hay biết. “Ngoài chợ giờ rau củ quả thiếu gì nhưng có đảm bảo an toàn đâu. Người tiêu dùng một số thì thích giá rẻ và một số muốn chất lượng nhưng nơi cung cấp thì quá ít nên lượng rau chưa an toàn cứ ngày một nhiều hơn mà người tiêu dùng không hề biết”, ông Thọ nói thêm. “Trồng rau sạch năng suất thì thấp là điều hiển nhiên nhưng ngược lại giá cả cao hơn nhiều. Huyện An Phú cũng xây dựng được 3 nhà kính để SX thử nghiệm trồng rau và hoa màu theo hướng an toàn, mục đích chính là để người dân thấy, hiểu và làm theo. Từ đó, hạn chế thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường, hướng đến làm sạch môi trường nông nghiệp”, ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT huyện An Phú nói. Vườn rau sạch của ông Thọ có khoảng 500 m2 với nhiều loại rau như rau muống, ngổ, xà lách, cải bẹ xanh, đậu bắp, mồng tơi… được trồng từ ống tre, cây dừa mục, bình nhựa, lon nhựa, chai nhựa và thùng xốp… Tất cả đều được trồng treo lơ lửng ở trên cao không chạm đất. “Nếu để cây trồng chạm vào đất sẽ có chất sắt trong lòng đất mà chất này sẽ gây ung thư cho người sử dụng nên tôi làm vậy để rau sạch hoàn toàn vừa tốt cho sức khỏe mà vừa làm đẹp khuôn viên vườn”, ông Thọ nói. Nếu ở Trung Quốc, họ đào rãnh thoát nước xung quanh vườn rồi nguồn nước tưới đó sẽ chảy về điểm tưới nước ban đầu thì ông sử dụng ngược lại bằng cách thiết kế bằng hệ thống phun nước nhỏ giọt được chuyền từ nước máy lên. “Ở bên đó, họ tiết kiệm nước và không phun xịt thuốc sâu nữa nên chi phí ban đầu thiết kế hơi cao so với cách trồng thông thường nhưng ngược lại thì họ tiết kiệm nhiều thứ như nước, phân bón và thuốc trừ sâu. Còn ở ta thì ngược lại, cứ trồng thoải mái và phun, xịt thoải mái nên chi phí mỗi vụ cao hơn nhiều”, ông Thọ nói. Ông Thọ cũng cho biết, cách trồng rau sạch theo mô hình này không khó. Điều trước tiên là phải có nguyên liệu đó là cám dừa và phế phẩm sinh học của Mỹ (K-Humate) trộn chung với nhau rồi bỏ giống vào trồng. Cám dừa được ông mua tại các trại cưa cây dừa với giá 30.000 đ/bao (giống như bao lúa) và phế phẩm kia thì ngoài tiệm phân bón cũng có bán nhưng giá rất thấp. Trồng theo mô hình này thì không cần phun xịt sâu bệnh, ít tưới nước. Nếu cần thì bón thêm phân dơi hay cách 4 - 5 ngày thì tưới nước một lần là được. “Vật dụng gia đình thì đâu có tiền bạc gì nhiều, tre, dừa mục ở quê này thiếu gì. Tôi nghĩ, trồng hay nuôi con gì thì mình nên tận dụng cái có sẵn sẽ tiết kiệm chi phí hơn, nếu mua ống nhựa thì tốn tiền nhiều lắm”, ông Thọ nói. Ông Thọ bên vườn rau sạch độc đáo của mình Để tạo cảnh quan đẹp, ông sử dụng nhiều cây tre, dừa mục chồng chất lên nhau tạo thành nhiều lớp phân tầng, sau đó đục lỗ vào thân rồi trồng rau phục vụ cho gia đình. Vừa là vườn rau sạch để ăn, vừa tạo vẻ đẹp nghệ thuật nên được nhiều người qua lại chú ý. “Tôi nghĩ trồng cho vui, chủ yếu phục vụ gia đình và muốn bà con học hỏi theo để hạn chế bệnh tật từ các loại rau trôi nổi trên thị trường. Nếu làm thành công thì tôi sẽ nhân rộng ra thêm 10.000 m2 đất vườn còn lại. Lúc đó tôi sẽ đầu tư hệ thống phun, tưới nước giống những khu vườn bên Trung Quốc và sẽ tìm đối tác để hợp đồng cung ứng sản phẩm rõ ràng. Tôi nghĩ bà con nên trồng theo cách này vừa ăn sạch vừa tiết kiệm chi phí trong quá trình SX, hạn chế dư lượng thuốc BVTV rất nhiều”, ông Thọ nói. Ông Phạm Thành Tâm, Phó phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết, mô hình trồng rau của ông Thọ vừa cung cấp sản phẩm cho gia đình vừa làm sạch môi trường. Tuy nhiên, để mô hình này lớn hơn thì cần vốn đầu tư ban đầu và cả mặt bằng, công nghệ SX.
ANH THƯ
Theo nongnghiep.vn