Ở bộ tộc Doma, tất cả những người sinh ra đều có bàn chân 2 ngón.
Ở miền Tây Zimbabwe, châu Phi tồn tại một bộ tộc người Doma (còn gọi là Wadoma hay Madumo) có cuộc sống tương đối biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ được mệnh danh là bộ tộc “tôm hùm” bởi tất cả những người Doma khi sinh ra đều có bàn chân 2 ngón.
Người Doma nói cả hai thứ tiếng Bồ Đào Nha và KoreKore - ngôn ngữ của bộ tộc MKorekore. Vì thường ẩn mình trên núi cao nên nguồn thức ăn chủ yếu của họ có được từ việc săn bắt, đánh bắt hải sản và hái lượm cây quả rừng, rễ cây hay mật ong.
Nghèo đói, bệnh tật… bủa vây lấy những cư dân Doma.
Đôi chân “tôm hùm” của người Doma có hình dáng rất đặc biệt, không chỉ có hai ngón tách rời nhau mà một số người còn có lớp màng mỏng ở chính giữa hai ngón chân khổng lồ, giống như chân của loài đà điểu.
Người Doma cho rằng, có lớp màng mỏng ở giữa hai ngón chân càng khiến đôi bàn chân của họ chắc chắn hơn, đi lại dễ dàng và an toàn hơn khi đi trên những địa hình hiểm trở, làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Truyền thuyết xa xưa của người Doma kể rằng, ban đầu, họ có đôi chân như người bình thường, nhưng khi trong làng có phụ nữ sinh một bé trai với đôi bàn chân 2 ngón quái dị, điều này khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Họ cho rằng, đứa trẻ đã bị thần linh giáng tội. Những người trong bộ tộc quyết định giết chết cậu bé để tránh tai họa.
Một năm sau đó, người phụ nữ đó lại sinh ra một đứa trẻ có bàn chân dị biệt như vậy, tuy nhiên, lần này thái độ của những người trong bộ tộc lại thay đổi hoàn toàn.
Họ cho rằng, đây là quà tặng mà thần linh ban phát cho nên hân hoan mở tiệc ăn mừng, dâng lên thần linh những lễ vật quí giá nhất để tạ ơn. Những người có đôi bàn chân bình thường sẽ không được người trong bộ tộc coi trọng.
Họ còn tỏ ra thất vọng, chán nản mỗi khi một đứa trẻ được sinh ra với đôi bàn chân 5 ngón bình thường. Lý do là bởi họ cho rằng, người mẹ đó bị thần linh trừng phạt, quở trách nên mới sinh ra những đứa con "không bình thường" như vậy.
Người Doma rất linh hoạt khi sử dụng đôi bàn chân khác biệt của mình và coi đó là lợi thế trên cơ thể.
Người Doma rất linh hoạt khi sử dụng đôi bàn chân khác biệt của mình và coi đó là lợi thế trên cơ thể. Không chỉ đi lại bình thường, đôi chân “tôm hùm” còn có khả năng uốn dẻo tốt, thay thế tay trong nhiều việc như cầm nắm đồ vật một cách chắc chắn, leo cây thoăn thoắt với hai ngón chân kẹp vào cành như gọng kìm.
Với đôi chân to, lớp da chân dày và cứng, người Doma có thể đi trên những cục than cháy hay những nơi có tuyết phủ dày mà không cảm thấy khó khăn.
Người Doma không thể dùng giày dép như những người bình thường khác. Họ chỉ có thể đi giày với thiết kế riêng và mỗi bàn chân một loại.
Nhiều nhà khoa học đã tìm về những ngôi làng của người Doma để nghiên cứu hiện tượng đặc biệt này. Kết quả cho thấy, hội chứng đột biến nhiễm sắc thể số 7 đã ảnh hưởng tới quá trình hình thành ngón chân và ngón tay của người Doma, khiến bàn chân hai ngón giống với hai càng tôm hùm, ba ngón giữa hoàn toàn biến mất.
Việc sống khép kín, chỉ kết hôn giữa những người trong bộ tộc với nhau và kết hôn gần là nguyên nhân khiến bàn chân 2 ngón cứ tiếp diễn từ đời này sang đời khác.
Theo giả thuyết của Road Nelson - nhà biên soạn biên niên sử và đồng thời là người đầu tiên phát hiện ra bộ tộc Doma: Nhiều năm về trước, người phụ nữ với bàn chân 2 ngón đã tới kết hôn với một thổ dân của bộ tộc Doma và sinh con đẻ cái. Đứa trẻ sinh ra thừa hưởng gene của mẹ, hơn nữa, việc kết hôn trong bộ tộc khiến bàn chân đặc biệt này cứ nối tiếp từ đời này sang đời khác.
Họ có thể tự làm tất cả mọi công việc để nuôi sống bản thân mình.
Ngày nay, nhiều người Doma đã vượt ra khỏi định kiến cũ của bộ tộc mình, bớt e dè, nhút nhát để tiếp cận với nền văn minh mới, ra ngoài kiếm sống, thay đổi, nâng cao cuộc sống của mình.
Ban đầu họ gặp phải khó khăn là không ai dám thuê một người có đôi chân dị dạng như vậy thậm chí là sợ hãi, trêu chọc, miệt thị. Dần dần, người Doma lấy được lòng tin của người khác nhờ vào sự kiên trì, chăm chỉ, thật thà.
theo tinmoi