Cách đây hơn 1 năm tôi về công tác tại huyện Nghi Xuân. Để thuận tiện cho công việc, sáng sớm tôi chủ động xin số điện thoại của người đứng đầu xã Xuân Hồng liên lạc. Ngặt nỗi khi bấm máy, chuông đổ liên hồi nhưng người nghe chẳng buồn… nhấc máy. Kiên nhẫn chờ đợi và bấm máy thêm mấy lần, tôi cũng chỉ nghe những tiếng chuông reo rồi kế thúc bằng tín hiệu: tút, tút, tút. Buổi chiều đến trú sở, gặp ông chủ tịch tại phòng làm việc, tôi khẽ nhắc lại việc gọi điện liên lạc buổi sáng. Thật hồn nhiên và bất ngờ ông nói “nhà báo thông cảm, tôi có thói quen chỉ nghe những số máy có trong danh bạ mà thôi!”
Mới đây vào Kỳ Anh tôi lại lần trong danh bạ tìm số máy của lãnh đạo huyện theo số máy Gphone để hẹn lịch làm việc nhưng gọi mãi cũng chẳng thấy người nghe. Cực chẳng đã tôi phải liên lạc với một cán bộ khác để xin thêm số điện thoại vì nghĩ rằng một người sử dụng 2 máy là chuyện bình thường. Biết đâu một máy ông quên ở nhà.? Thế nhưng gọi sang số máy khác cũng chẳng thấy chủ nhân nhấc máy. Hết giờ làm việc buổi chiều tôi lại thêm môt lần nữa bấm máy theo cả 2 số máy nhưng lặp lại vẫn những tiếng chuông quen thuộc.
. Mãi đến khi nhắn tin xưng danh mới thấy ông gọi điện trở lại vói lời thông cảm “tôi để quên máy ở nhà”. Lần này nếu tôi lại nhắn tin liệu rằng ông có thể trả lời là “tôi lại để quên 2 máy… tại cơ quan. Hay chẳng qua lý do ông không muốn nói ra cũng chẳng khác vị chủ tịch xã Xuân Hồng là số máy gọi đến không nằm trong… danh bạ.
Phải chăng là lãnh đạo không thích tiếp xúc khi biết số máy người gọi đến, bởi trong thực tế đó cũng là…”chuyện thường ngày ở huyện’? Nghĩ vậy nên tôi đã dùng thêm 1 số máy của anh bạn đồng nghiệp để liên lạc nhưng hiệu quả chẳng vì thế mà khả quan hơn
Trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, chuyện nhận tin nhắn rác khiến nhiều người cảm thấy nhàm chán và thất vọng. Bên cạnh đó, việc cán bộ họp hành thường xuyên phải để ĐTDĐ ở chế độ im lặng là điều dễ hiểu.Thế nhưng, ngoài phòng họp và hết giờ làm việc lẽ nàocác chủ nhân lại không mở máy ra xem ở chế độ cuộc gọi nhỡ như một phản ứng thông thường của những người quen sử dụng điện thoại di động. Vì biết đâu là cấp trên liên lạc và biết đâu người thân từ nơi xa gọi về; hoặc chí ít cũng để cấp dưới báo cáo tình hình công việc mà số máy ông chưa kịp lưu lại?. Ở cương vị người đứng đầu xã và huyện chỉ biết nghe những số điện thoại trong danh bạ là điều nguy hiểm. Bởi ngộ nhỡ xảy ra những sự cố như xử lý dịch bệnh, cứu người khi có hỏa hoạn hay bão lũ xảy ra cần có sự chỉ đạo quyết liệt của người “cầm chịch” mà người khác gọi đến bằng số lạ. Thế mới biết cách ứng xử có văn hóa trong việc sử dụng ĐTDD quan trọng như thế nào!
HOÀI NAM (baohatinh.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn