Chán cơm, thèm cháy...
Đó là trường hợp của ông Phan Tấn Lộc (SN 1944, ngụ 181/10 phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ). Ông là nông dân “rặt ri”, khuôn mặt phúc hậu, trong cuộc sống hàng ngày chưa làm điều gì mất lòng ai nên hàng xóm rất quý mến.
Tuy không ăn nhưng sức khỏe ông Phan Tấn Lộc vẫn bình thường. |
Ông Lộc sống kín đáo, dù giấu kín bệnh tình nhưng chuyện “nhịn ăn” quá lâu của ông rồi cũng đến tai người thân 2 bên nội ngoại và hàng xóm. Vợ chồng ông Lộc - bà Nhị quê gốc ở Ô Môn, Cần Thơ.
Sau khi nên vợ nên chồng, cuộc sống khó khăn nên ông bà di cư đến một số nơi như Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP.HCM, Bình Phước… để mưu sinh. Cuộc sống vẫn khó khăn, cuối cùng vợ chồng ông đành trở về quê hương làm ruộng vườn sinh sống. Ông bà có 5 người con (3 gái, 2 trai), hiện đã có công việc làm ổn định ở địa phương.
Ông Lộc kể, Sau khi lấy vợ, sinh con, sức khỏe ông vẫn bình thường, vẫn lao động như những thanh niên khác. Điều lạ là năm 22 tuổi, khẩu vị ưa thích của ông là những món chay chứ không thích ăn mặn.
“Gia đình tôi thờ Phật và cúng ông bà tổ tiên như những gia đình khác. Tự dưng tôi thích ăn chay, khẩu vị nó vậy chứ không phải vì tu tịnh”- ông Lộc nói.
Cũng theo lời kể của ông Lộc, ông ăn chay trường cho đến năm 45-46 tuổi thì bỗng dưng không thích ăn cơm nạc (gạo), dù có cố gắng đến mấy cũng không nuốt được. Sau khi ngán cơm nạc, ông “chuyển tông” sang dùng cơm cháy nhưng ăn không được nhiều.
Chán ăn, chỉ uống
Ông kể: “Những lúc có khách thì tôi cũng ngồi vào mâm, gỡ một hai miếng cơm cháy ăn thôi chứ cả ngày không thấy đói bụng”. Điều lạ bắt đầu xuất hiện, sau khoảng 2-3 năm chỉ duy nhất ăn được cơm cháy thì bỗng dưng ông không thèm cơm cháy nữa mà chuyển sang thèm ăn duy nhất món... dừa khô.
Do quê nhà có nhiều dừa, nên ông ăn không hề biết ngán. “Lúc đó cái miệng sao nó cứ thèm dừa, suốt ngày tui cạy dừa lấy cơm nhai lộp cộp. Có ngày tui ăn 3 trái dừa là bình thường, không hề ăn được gì khác” – ông Lộc cho biết. Ăn cũng chỉ được 4 - 5 năm rồi món dừa độc nhất cũng bị cái miệng “chê”, ông Lộc chuyển sang thèm ăn kẹo đậu phộng (lạc).
Từ kẹo đậu phộng, ông lại chuyển sang ăn món đậu phộng rang cũng được vài năm. Hết đậu phộng rang, món tiếp theo là cà phê đá. “Suốt cả ngày cứ uống cà phê đá mà không hề dùng gì khác. Nhà tui lúc nào cũng thủ sẵn vài kilôgam cà phê để pha uống”- ông nói.
Suốt 4 năm trời uống duy nhất cà phê có lẽ chán nên ông chuyển tiếp qua món mới là trà đá đường. Đây là thực phẩm duy nhất hàng ngày mà ông dùng lâu nhất, đến nay đã 18 năm. Nhưng điều lạ, lúc đầu uống được vài ly thì những năm gần đây, ông chỉ uống mỗi ngày 2 ngụm nước trà đá mà vẫn sống, vẫn đi lại bình thường.
Các bác sĩ “bó tay”
Theo ông, từ lúc ông thay đổi khẩu vị, chỉ ăn hoặc uống duy nhất một món nào đó thì sức khỏe và làm việc vẫn bình thường. “Riêng chuyện “đời sống vợ chồng” bỗng dưng nó mất hẳn từ ngày đó” – ông tâm sự. Do chỉ uống nước trà nên chuyện tiểu tiện của ông bình thường, chỉ có việc đại tiện thì một tháng ông mới đi... 1 lần.
Đây là chuyện hiếm gặp trong y học, vì từ nhiều năm qua, lão nông này không hề ăn gì nhưng vẫn sống bình thường, khuôn mặt, da dẻ, vóc dáng không có gì khác lạ.
Ông Phan Tấn Lộc
Tuy nhiên, cách đây mấy năm, một lần ông bị bệnh, người thân đưa ông xuống TP. Cần Thơ khám. Các bác sĩ làm xét nghiệm và siêu âm dạ dày, phát hiện trong thành ruột và dạ dày của ông Lộc không hề có thức ăn cũng như những mảng bám của thức ăn.
Từ đây, ông mới khai thật về tình trạng tự “tuyệt thực” của mình cho các bác sĩ biết. Ngoài ra, trước tình trạng “tuyệt thực” của ông, gia đình cũng đã đưa ông lên TP.HCM để điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Cần Thơ cũng như TP.HCM vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và lời giải thuyết phục.
“Có bác sĩ nói bệnh của tôi là thói quen tự tập, nhưng mình có tập gì đâu mà thói quen. Có lần bác sĩ còn hỏi tôi có tu tịnh gì không mà không ăn, tôi trả lời luôn tui muốn đi trị bệnh nhưng bác sĩ không tìm ra bệnh, chứ ai muốn tu chay gì đâu. Tính ra tốn tiền lắm chứ sướng gì” – ông Lộc kể.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn