Ngày 28-6-2012 Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết lấy ngày 20-3 hằng năm là Ngày Hạnh phúc cho toàn thế giới. Mới đấy đã gần một năm. Với việc chọn một ngày trong năm là Ngày Hạnh phúc, LHQ hy vọng mỗi người hãy chọn cho mình một quan niệm đúng về hạnh phúc. LHQ cũng giải thích rằng, việc định ra một ngày hạnh phúc khởi nguồn từ "nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý hơn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì sự hạnh phúc và thịnh vượng cho tất cả mọi người”. Sở dĩ chọn ngày 20-3 hằng năm do ngày này được coi là tương đối đặc biệt: có độ dài ban ngày và ban đêm bằng nhau- mang ý nghĩa của sự cân bằng.
Ngày Hạnh phúc quốc tế lấy ý tưởng từ Bhutan, một vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông dãy Himalaya, được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao, trong khi không phải là quốc gia giàu có.
Mỗi một con người, một dân tộc xuất phát từ những thang giá trị khác nhau và cách đặt vấn đề cuộc sống cũng không trùng nhau nên "định lượng” hạnh phúc cũng khác nhau. Không ít sắc dân sống trong vùng điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; mùa hè thì nắng nóng như nung, mùa đông lại lạnh cắt da cắt thịt, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng họ vẫn không lấy thế làm đau khổ. Mà cũng thật lạ thay, trong nhiều trường hợp thiếu thốn về vật chất nhưng người ta lại tìm thấy hạnh phúc, trái ngược với lúc giàu có thì lại sinh ra bất đồng, mâu thuẫn, giành giật, đau khổ vì tâm hồn không bình yên.
Những năm tháng chiến tranh sống chết không biết thế nào, mâm cơm rặt một màu xanh của các loại rau, nhưng tình người thì rất đầy đặn. Cái thời trước đổi mới, chế độ bao cấp, xếp hàng cả ngày để mua vài lạng thịt… nhưng nhà có bát canh ngon cũng san ra một ít mang sang biếu hàng xóm. Đó là chia bùi sẻ ngọt đấy. Dĩ nhiên không ai muốn quay lại cái thời tem phiếu nghèo nàn, nhưng người ta vẫn nghĩ về nó như một hoài niệm.
Bây giờ, khái niệm hạnh phúc cũng biến đổi, rộng rãi hơn. Hạnh phúc không đơn giản chỉ là "đựng trong một tà áo đẹp”- như cách nói của thi sĩ Chế Lan Viên mà nó là sự hòa nhịp hạnh phúc cá nhân với hạnh phúc cộng đồng. Những việc làm thiện nguyện ngày một nhiều lên trong xã hội khi mà khoảng cách giàu nghèo cũng ngày thêm giãn rộng. Người ta nhận ra rằng mình khó có thể vui vẻ hưởng thụ khi mà bên cạnh mình hoặc ở đâu đó vẫn còn những con người nghèo túng, những con người không may bị số phận đày đọa, những con người lầm lũi đốt đuốc giữa ban ngày đi tìm hạnh phúc một cách vô vọng.
Nói rộng ra, hạnh phúc cũng có nghĩa là được sống trong một môi trường sống tốt. Môi trường sống ấy là điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội, điều kiện tự nhiên mưa thuận gió hòa. Vì vậy, muốn mưu cầu hạnh phúc cho bản thân thì phải gắn với việc nỗ lực gây dựng môi trường sống tốt. Kinh tế là quan trọng nhưng yếu tố tinh thần vô hình nhưng lại dày vò người ta nhiều hơn. Đói lòng ăn một bát cơm cũng coi là tạm đủ, nhưng sự day dứt đeo đẳng thì không thể một sớm một chiều trút bỏ. Chung tay tạo dựng môi trường sống trong lành vì thế vô cùng có ý nghĩa. Nói đơn giản thì giống như con cá vậy, nó chỉ có thể nhởn nhơ khi bơi trong làn nước sạch chứ không thể tung tăng với làn nước đục ngầu. Nhưng con cá thì không thể làm cho môi trường sống của nó tốt lên hay xấu đi, còn con người thì làm được nếu biết nghĩ hạnh phúc riêng của mình chỉ trọn vẹn khi mà cộng đồng mình chung sống cùng hạnh phúc.
Những năm cả nước lên đường chống Mỹ, bao lớp thanh niên từ hậu phương lớn miền Bắc xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Trong số đó có nữ nhà báo, nhà văn trẻ Dương Thị Xuân Quý. Chị vào chiến trường Khu 5 rồi hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Trong "Bài thơ về hạnh phúc” khóc vợ, chồng chị- nhà thơ Dương Hương Ly viết:
Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt…
Hạnh phúc là chọn lựa cuộc sống hiến dâng cho đất nước, tìm được lý tưởng cao đẹp cho cuộc đời. Họ đã sống, chiến đấu và hy sinh cho đất nước một cách giản dị, tự nhiên không tính toán được mất.
Giữa bom gào đạn réo
Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo
Những con người như ánh sáng lung linh
Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình
Để làm nên buổi mai đầy nắng
Em bối rối, em sững sờ đứng lặng
Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên
Thức dậy bao điều mới mẻ trong em
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc...
Những con người tìm ra ý nghĩa cuộc đời, tìm thấy hạnh phúc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại là tấm gương sáng mãi. Tiếc thay, đến giờ không ít người đã quên điều đó, không chịu soi vào tấm gương đó mà lại quay quắt tìm kiếm hạnh phúc qua thang giá trị phẩm cấp, quyền lực và bạc tiền. Thế nên mới có lợi ích nhóm, mới có những kẻ tham ô tham nhũng làm nên một thứ giặc nội xâm trong lòng đất nước. Người ta quên rằng, hạnh phúc nào phải được mua bằng tiền bạc, chức quyền, nó phải đến một cách tự nhiên. Sống mà lúc nào cũng thẹn với lòng, thẹn với người thì làm sao có được hạnh phúc. Vơ vét được bạc tiền; mỗi lần quắc mắt lên khiến người khác phải ngó sang nơi khác nhưng làm sao vơ vét, cướp đoạt được sự tôn trọng. Người ta nhầm lẫn sung sướng với hạnh phúc. Hạnh phúc rộng rãi hơn nhiều, thênh thang hơn nhiều. Hạnh phúc là ngôi nhà mà những kẻ ích kỉ, tham lam, ti tiện không được phép bước chân vào.
Ngày Hạnh phúc của nhân loại đã cận kề, lại nghĩ về ý nghĩa cuộc sống.
NAM VIỆT
http://daidoanket.vn