Nguyệt thực một phần. Ảnh minh họa: Space.com. |
Nguyệt thực diễn ra vào ngày 26/4 trong một vùng rộng lớn bao phủ một nửa địa cầu gồm châu Phi, châu Âu, châu Á, Ấn Độ Dương và Australia. Việt Nam có thể quan sát toàn bộ hiện tượng.
Nguyệt thực xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng nằm trên đường thẳng. Mặt trăng đi vào vùng bóng tối của trái đất nên chỉ nhận một phần ánh sáng mặt trời. Vì lý do này, mặt trăng có màu đỏ nhạt khi nguyệt thực nửa tối và đỏ sẫm khi nguyệt thực toàn phần hoặc một phần. Trong nguyệt thực một phần tháng này, một phần nhỏ của mặt trăng sẽ có màu đỏ sẫm, phần còn lại nằm trong vùng nửa tối và màu đỏ nhạt.
Nhược điểm lớn nhất trong lần diễn ra nguyệt thực một phần là thời gian diễn ra ngắn. Thời điểm bắt đầu nguyệt thực một phần khoảng 2h54, tiến tới cực đại vào khoảng 3h08 và kết thúc pha một phần khoảng 3h21 ngày 26/4. Tuy vậy, người quan sát có thể theo dõi nguyệt thực nửa tối bắt đầu từ khoảng 1h03 cho tới khi mặt trăng lặn xuống chân trời phía tây lúc hơn 5h00 cùng ngày.
Tuy nhiên, ưu điểm lần nguyệt thực là xảy ra vào rạng sáng, vì thời điểm đó, không khí thường trong hơn và ánh đèn cũng ít đi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát.
Quan sát nguyệt thực cũng như quan sát mặt trăng bình thường, không yêu cầu dụng cụ bảo hộ nào. Đặc biệt, với điều kiện quan sát tốt, người yêu thiên văn hoàn toàn có thể dùng máy ảnh hoặc camera để ghi lại khoảng khắc đẹp này.
Không chỉ có nguyệt thực, trong tháng 4, còn có nhiều sự kiện thiên văn khác. Đêm 21, rạng sáng 22/4, mưa sao băng Lyrids đạt cực điểm. Đây không phải trận mưa sao băng lớn nhưng vẫn có thể quan sát nếu thời tiết không mưa, không bị mây che phủ và ô nhiễm ánh sáng.
Tiếp đó, ngày 28/4, sao Thổ sẽ gần trái đất nhất trong năm, khi nó tiến tới vị trí trực đối với hành tinh này. Đây là cơ hội để người yêu thiên văn quan sát hành tinh. Nếu quan sát bằng mắt thường, người xem chỉ thấy một đốm sáng vàng nhỏ trên bầu trời. Để chiêm ngưỡng hình dạng của hành tinh cùng vành đai đặc biệt của nó, người xem cần có sự hỗ trợ của chiếc kính thiên văn nhỏ.
Theo Kiến thức
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn